Trung Quốc đang nổi lên như thị trường tiêu thụ cà phê đầy tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi tính chuyện xây dựng thương hiệu hay mở rộng chuỗi cửa hàng, các doanh nghiệp Việt cần thực hiện bước đi tiên quyết: điều chỉnh sản phẩm để chạm đúng khẩu vị người tiêu dùng Trung Quốc.
Tiêu thụ cà phê Việt tại Trung Quốc tăng trưởng mạnh
Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, diễn ra hồi tháng 3/2025, giữa lúc nhiều gian hàng đã hoàn tất dọn dẹp, một gian hàng vẫn miệt mài livestream quảng bá cà phê Tây Nguyên tới người tiêu dùng Trung Quốc. Hình ảnh này gây ấn tượng mạnh với chị Nguyễn Thị Thu Hà (TikToker Hana Ban Mê), người nhiều năm gắn bó với công tác quảng bá cà phê Việt Nam ra thế giới.
Theo chị Thu Hà, sự xuất hiện của các hoạt động quảng bá hướng đến Trung Quốc cho thấy nhu cầu đối với sản phẩm cà phê Việt đang gia tăng tại thị trường này.
Trung Quốc vốn được biết đến là quốc gia tiêu thụ trà hàng đầu thế giới, nhưng những năm gần đây đang chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu đối với cà phê. Theo số liệu niên vụ 2023-2024, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 5 triệu bao cà phê, xếp thứ 7 toàn cầu về sản lượng tiêu thụ.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc ghi nhận, năm 2024, nước này nhập khẩu hơn 190.000 tấn cà phê, trị giá gần 973 triệu USD, tăng lần lượt 24% về lượng và 21,5% về trị giá so với năm trước.
Đáng chú ý, thị phần cà phê Việt Nam tại Trung Quốc cũng tăng từ 9,44% năm 2023 lên 12,62% năm 2024. Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê lớn thứ ba cho Trung Quốc, với kim ngạch đạt 100,6 triệu USD, tương đương 24.100 tấn cà phê.
Tuy tiêu thụ nội địa hiện nay mới chỉ bằng khoảng 1/4 so với thị trường Mỹ hay Brazil, nhưng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc được đánh giá rất khả quan, đặc biệt trong nhóm người tiêu dùng trẻ thành thị. Nhu cầu không chỉ dừng lại ở sản phẩm cà phê hòa tan, mà ngày càng mở rộng sang các sản phẩm cà phê pha chế theo phong cách hiện đại, chú trọng hình thức và trải nghiệm.
Theo ông Jason Yu, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, giới trẻ Trung Quốc ngày càng ưa chuộng lối sống hiện đại phương Tây, trong đó cà phê là một phần không thể thiếu.
Điều chỉnh khẩu vị để chinh phục thị trường
Hiện nay, hơn 70% lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là cà phê chế biến, phần còn lại là cà phê nhân Robusta. Lợi thế về giá thành và nguồn cung ổn định giúp cà phê Việt có nhiều cơ hội cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay chính là sự khác biệt về khẩu vị.
Một doanh nhân Trung Quốc đang sinh sống tại Việt Nam cho rằng, cà phê Việt Nam có hương vị đậm đặc, nồng đắng đặc trưng, nhưng khẩu vị tiêu dùng phổ biến tại Trung Quốc, đặc biệt trong giới trẻ, lại thiên về các loại đồ uống có hương vị nhẹ nhàng hơn, ít đắng, thường kết hợp với sữa, kem, trái cây hoặc các nguyên liệu độc đáo như phô mai, muối biển.
Vị doanh nhân này cho biết, dù đã thử nhiều loại cà phê Việt Nam, song vẫn chưa thực sự quen vì độ đậm cao. Ông bày tỏ mong muốn tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để nghiên cứu, điều chỉnh công thức, phát triển dòng sản phẩm riêng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc, với kỳ vọng xây dựng chuỗi cửa hàng cà phê tại quê nhà.
Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam
Theo các chuyên gia, nếu không kịp thời điều chỉnh sản phẩm, các thương hiệu cà phê Việt sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận rộng rãi hơn tại Trung Quốc – thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt với hơn 50.000 chuỗi cửa hàng cà phê trên toàn quốc.
Khác với thói quen tiêu dùng tại Việt Nam, nơi cà phê đậm, đắng được ưa chuộng, người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích các loại đồ uống có vị nhẹ, hương thơm dễ chịu, độ ngọt vừa phải, và đặc biệt chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ của sản phẩm.
Việc giữ nguyên công thức truyền thống có thể hạn chế khả năng mở rộng thị trường. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu sâu về thị hiếu địa phương, tiến hành thử nghiệm sản phẩm thông qua các kênh phân phối online, chuỗi bán lẻ nội địa, hoặc hợp tác với đối tác bản địa để tinh chỉnh công thức.
Mục tiêu là tạo ra sản phẩm vừa giữ được giá trị cốt lõi của cà phê Việt Nam, vừa đủ linh hoạt để thích ứng với thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu về trải nghiệm và thẩm mỹ của người tiêu dùng Trung Quốc hiện đại.
Thị trường cà phê Trung Quốc đang mở ra cơ hội lớn cho cà phê Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Việc chủ động điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu bản địa không chỉ là yêu cầu bắt buộc nếu muốn thâm nhập thị trường, mà còn là cơ hội để cà phê Việt chứng minh khả năng đổi mới và thích ứng linh hoạt trên sân chơi quốc tế./.