Trước thực trạng hàng trăm dự án chậm triển khai gây lãng phí, làm xấu đô thị, Hà Nội đang ráo riết rà soát, huy động nhiều nguồn lực và yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường giám sát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.
TP Hà Nội vừa có báo cáo về tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố có 117 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ. Theo ghi nhận, không ít dự án trong số đó đã thu tiền của người dân. Nhưng sau nhiều năm vẫn chỉ trơ khung, sắp thép hoen rỉ… làm xấu bộ mặt đô thị, gây ra lãng phí kéo dài.
TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị rà soát, phân loại các dự án chậm triển khai đã và đang xử lý, gửi đến UBND cấp xã, phường mới để tiếp tục kế thừa, tiếp quản nhiệm vụ giám sát, xử lý. Gần đây, một số dự án đã rục rịch tái khởi động. Những người mua nhà cho rằng, sự theo sát quản lý của các cơ quan chức năng có vai trò quan trọng. Ngoài ra, họ cũng băn khoăn về nguồn lực tài chính để có thể giúp các dự án về đích.
Nghe tin chủ đầu tư Usilk City - một đại dự án nhà ở đã chậm tiến độ 12 năm tại Hà Nội - sẽ khởi động xây dựng tiếp vào tháng 8 tới đây và cam kết hoàn thành trong vòng 24 tháng, các khách hàng rất vui mừng. Nhưng do thời gian đã kéo dài quá lâu, họ vẫn lo ngại về việc chủ đầu sẽ lấy tiền ở đâu để tiếp tục xây và hoàn thiện dự án.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, nhờ thị trường chung cư tốt hơn, quỹ đất khan hiếm, nên một số doanh nghiệp khác đã có sự quan tâm tới dự án đang triển khai dở dang này.
Ông Vũ Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà Thăng Long cho hay: "Nguồn lực chính sẽ tập trung vào 3 nguồn lực. Thứ nhất, một số khách hàng sẽ đóng tiếp để triển khai dự án; thứ hai là công ty vừa xong một dự án ở Nha Trang, đang bàn giao nhà, đó là nguồn lực rất lớn. Ngoài ra, đó là khoản vay từ Hội đồng quản trị".
Những người mua nhà hiện vẫn còn băn khoăn như: cam kết thực hiện của chủ đầu tư; họ có phải đóng thêm tiền vào đây không và nếu phải đóng thì sẽ đóng với mức như thế nào, theo giá trị hợp đồng của hơn 10 năm trước, hay theo giá của thị trường hiện tại.
Trao đổi với nhóm khách hàng, chủ đầu tư cho biết, do lượng khách hàng cũ đã nộp tiền lớn, lên tới hàng nghìn người. Sau khi dự án khởi công lại, chủ đầu tư sẽ làm việc, thương thảo với từng khách hàng về phần tiền có thể thu thêm như thế nào.
Với các dự án đình trệ lâu ngày, nhiều quy định pháp lý đã thay đổi, theo các chuyên gia, lúc này, cần có sự đồng hành, vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Luật sư Bùi Quang Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự - cho rằng: "Cần tạo ra hành lang pháp lý, hồ sơ, tài chính, mới có các nhà đầu tư mới, doanh nghiệp bất động sản khác hoặc ngân hàng khác đầu tư vào".
Xử lý các dự án nhà ở chậm tiến độ nhiều năm đã trở thành vấn đề cấp thiết, nhưng cần sự huy động nguồn lực từ nhiều phía. Thành phố Hà Nội mới đây đã yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã chủ động nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại địa phương, trong đó có việc giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án.