Cuối năm, nghề chẻ lạt của các hộ dân phố núi lại bước tất bật đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy công việc vất vả, nhưng mang lại thu nhập ổn định.
Không khí Tết len lỏi vào từng ngóc ngách của con hẻm 21, đường Nguyễn An Ninh, Buôn Ma Thuột. Giữa cái se lạnh đặc trưng của phố núi, tiếng dao tách lạt hòa quyện với tiếng nói cười rôm rả, tạo nên một bức tranh sinh động về một làng nghề truyền thống đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu (SN 1970, trú tại hẻm 21) – người đã gắn bó với nghề chẻ lạt gần 40 năm nay. Bà chia sẻ: "Năm 1986, tôi theo gia đình vào Buôn Ma Thuột để lập nghiệp. Cũng từ đó, nghề chẻ lạt đã trở thành một phần cuộc sống của tôi".
"Trước đây, sau khi chẻ lạt, tôi phải mang ra chợ để bán lẻ, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng giờ đây, nghề chẻ lạt đã đỡ vất vả hơn. Chẻ lạt đến đâu, có người đến thu mua đến đó. Nhiều khách quen thậm chí còn đặt hàng trước, chờ khi lạt chẻ xong thì mang xe đến vận chuyển về. Nhờ vậy, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, ổn định cuộc sống". Bà Liễu cho biết thêm.
Những thanh lồ ô được gọt bỏ ruột.
Tuy nhiên, để thành thợ chẻ lạt chuyên nghiệp là không dễ. Bà Phạm Thị Nhạn (SN 1975, em dâu của bà Liễu) lý giải: "Việc chẻ lạt không chỉ kỳ công mà còn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng thao tác để đảm bảo lạt được mỏng, dẻo dai. Những ngày đầu mới vào nghề, do thiếu kinh nghiệm nên nhiều sợi lạt do tôi chẻ ra đầu dày, đầu mỏng. Chưa kể, đầu ngón tay thường xuyên bị dao cứa chảy máu".
Bà Nhạn chỉ vào những vết sẹo chằng chịt trên các ngón tay. "Do các thanh lồ ô rất sắc nhọn nên dù có đeo găng tay, quấn băng keo cẩn thận đến đâu, tôi vẫn không tránh khỏi tai nạn. Lâu ngày, da tay bị mòn, phỏng rát. Do đó, thời gian đầu tôi chỉ chẻ được vài ống lồ ô", bà Nhạn nói.
Hơn ba thập kỷ gắn bó với nghề, đôi tay của bà Nhạn đã trở nên điêu luyện. Mắt không cần nhìn, tay không cần suy nghĩ, bà vẫn có thể chẻ hàng chục ống lồ ô mỗi ngày, một kỹ năng mà không phải ai cũng có được.
"Lạt chẻ càng mỏng thì càng dẻo dai, thuận lợi trong quá trình sử dụng để gọi bánh chưng, chả giò, bánh tét...", bà Nhạn nói.
Việc chẻ lạt đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng thao tác.
Sau khi chẻ, những thẻ lạt được xâu vào một đoạn cây ngắn và treo vào móc rồi đưa lên dây phơi. Sau khi phơi từ 4-5 nắng, lạt được bó lại thành từng bó để bán cho người tiêu dùng.
Bà Nhạn cho hay: "Thời tiết là yếu tố quyết định chất lượng lạt. Nếu phơi dưới trời nắng ráo, lạt sẽ có màu trắng sáng, hương thơm tự nhiên và dẻo dai. Còn nếu gặp trời mưa và không được bảo quản tốt, lạt sẽ bị mốc và đứt gãy".
Thời tiết là yếu tố quyết định chất lượng lạt.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, những người thợ chẻ lạt phải làm việc không ngừng nghỉ. Dù vậy, lượng lạt sản xuất ra vẫn không đủ cung ứng. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu chia sẻ: "Cuối năm, nhu cầu dùng lạt rất lớn. Người dân không chỉ dùng để gói bánh chưng, chả giò, bánh tét mà còn để buộc rau,… Do đó, mỗi ngày, các thương lái tìm đến tận nơi để lấy lạt rồi phân phối đến nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk".
Sản phẩm lạt lồ ô đã vươn xa, chinh phục thị trường của nhiều tỉnh thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội... Với chất lượng đảm bảo, lạt lồ ô Đắk Lắk đã trở thành một thương hiệu quen thuộc trên khắp cả nước.
Nhiều người dân đi ngang qua không khỏi thích thú trước những dây lạt trắng muốt phơi bên đường.
Nhờ nghề chẻ lạt, nhiều gia đình ở đây có cuộc sống ổn định hơn. Mỗi ngày, gia đình bà Nhạn thu về hơn 200.000 đồng, đủ để trang trải cuộc sống. Còn với gia đình bà Liễu, hơn 20 triệu đồng thu được từ nghề chẻ lạt trong ba tháng cuối năm đã giúp họ có một cái Tết ấm no.
Những tháng còn lại, họ lại tiếp tục với công việc đồng áng, tạo nên một cuộc sống tự lập và bền vững./.