Nhiều nút thắt về công nghiệp phụ trợ cho dệt may, da giày cần tháo gỡ

Ban Thời sự - Thứ tư, ngày 16/07/2025 15:50 GMT+7

Việc chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu được kỳ vọng là giải pháp để các doanh nghiệp của ngành dệt may và da giày tận dụng được các lợi thế phát triển.

Nhiều nút thắt về công nghiệp phụ trợ cho dệt may, da giày cần tháo gỡ
Ảnh minh hoạ.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035, trong đó nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và tự chủ nguyên phụ liệu. Tuy nhiên đến nay, đây vẫn là điểm nghẽn lớn của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam khi có những đề án quy hoạch sản xuất nguyên phụ liệu rất lớn nhưng tất cả vẫn đang nằm trên giấy. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu ngành này đã vượt 70 tỷ USD trong năm ngoái, nhưng giá trị gia tăng còn thấp do phụ thuộc tới 60% nguyên phụ liệu nhập khẩu. Nhiều nút thắt đang cần được tháo gỡ.

Đề án quy hoạch "Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ngành công nghiệp thời trang Việt Nam" có tổng diện tích 40 ha, nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, riêng phần diện tích của trung tâm sản xuất nguyên phụ liệu đã rộng hơn 10 ha, đảm bảo sản xuất và cung ứng trên 70% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề án quy hoạch cho giai đoạn 5 năm tới. Quá trình triển khai cho thấy, từ chính sách tới thực tế vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Ông Thân Đức Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Một trong những nội dung quan trọng trong quyết định 1643 của Thủ tướng Chính phủ kí ban hành năm 2022, đó chính là việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, cũng như là các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày. Tuy nhiên, việc triển khai hiện nay tương đối chậm".

Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của hai ngành dệt may - da giày Việt Nam đã đạt trên 70 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế giá trị trên mỗi đơn hàng xuất khẩu chưa tới 10%, do 60% nguồn cung nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Để đạt mục tiêu xuất khẩu vượt mốc 100 tỷ USD trong giai đoạn tới, nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thời trang cần sớm được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam nhận định: "Hãy mạnh dạn có cơ chế đột phá, để hai ngành dệt may và da giày có được một trung tâm phát triển và trưng bày về nguyên phụ liệu, cũng như các trung tâm về nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, đúng như chiến lược ngành đề ra là đạt tỷ lệ nội địa hoá 70% là tốt nhất trong 5 năm tới".

Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương đưa ra ý kiến: "Trong thời gian tới, Cục công nghiệp sẽ tham mưu cho Bộ Công thương để xây dựng chính sách, trong đó sẽ xây dựng các trung tâm để chúng ta có thể phát huy nội lực, tự chủ về nguồn nguyên liệu trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dệt may và da giày".

Với 19 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia, một nội dung quan trọng nhất của các Hiệp định này là cam kết giảm thuế cho những sản phẩm hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, việc chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu được kỳ vọng là giải pháp để các doanh nghiệp của ngành dệt may và da giày tận dụng được các lợi thế phát triển.

Bài liên quan
Australia đã mở cửa thị trường cho quả vải tươi Việt Nam từ năm 2015. Cho đến nay, số lượng quả vải tươi của Việt Nam nhập khẩu sang Australia ngày càng tăng và đặc biệt, năm nay, siêu thị Costco nhập một lượng hàng lớn để phân phối trên toàn bộ hệ thống tại Australia.
Australia đã mở cửa thị trường cho quả vải tươi Việt Nam từ năm 2015. Cho đến nay, số lượng quả vải tươi của Việt Nam nhập khẩu sang Australia ngày càng tăng và đặc biệt, năm nay, siêu thị Costco nhập một lượng hàng lớn để phân phối trên toàn bộ hệ thống tại Australia.
Đối với ngành da giày, 6 tháng cuối năm là chặng đường đầy thách thức khi Mỹ và EU đang đặt ra yêu cầu về sản xuất xanh hơn và nguồn gốc nguyên vật liệu.
16/07/2025
Tính đến nay, sản lượng tiêu thụ vải thiều đạt hơn 182.500 tấn, vượt hơn 105% kế hoạch.
16/07/2025
Hiện nay, nhiều loại trái cây đặc sản ở tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giảm giá sâu, khiến nhà vườn thua lỗ nặng.
16/07/2025
Từ tháng 6 đến tháng 7, măng cụt bước vào chính vụ thu hoạch tại xã Tam Ngãi, tỉnh Vĩnh Long - một trong những vùng trồng măng cụt nổi tiếng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thay vì không khí thu hoạch rộn ràng như mọi năm, nhiều nhà vườn năm nay lặng lẽ vì mất mùa nặng.
16/07/2025
Tin mới