Sau gần hai thập kỷ “nằm trên giấy”, dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội đang bước vào giai đoạn tăng tốc triển khai, kỳ vọng trở thành trung tâm công nghệ sinh học tầm cỡ khu vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Với diện tích hơn 199 ha, trải rộng trên địa bàn các phường Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm), dự án được quy hoạch hiện đại theo chuẩn đô thị thông minh, tổng vốn đầu tư ước tính 1 tỷ USD. Khi hoàn thành, nơi đây sẽ là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất, đào tạo và ươm tạo công nghệ sinh học với sức chứa gần 30.000 chuyên gia, kỹ sư và người lao động.
Được phê duyệt chủ trương từ năm 2007, dự án nhiều lần bị đình trệ do thay đổi địa giới hành chính, vướng mắc pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư, Đất đai và Quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, từ năm 2023, với chỉ đạo quyết liệt của thành phố, hàng loạt rào cản pháp lý được tháo gỡ, tiến độ được đẩy nhanh rõ rệt.
Ngày 29/9/2024, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký Quyết định 1054/QĐ-TTg thành lập Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội – dấu mốc quan trọng thể hiện cam kết phát triển kinh tế công nghệ cao của Thủ đô. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Dự án là bước đi chiến lược thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần đưa Hà Nội thành đầu tàu khoa học-công nghệ và chuyển đổi số quốc gia”.
Tại kỳ họp ngày 29/4/2025, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Thành phố đặt mục tiêu hoàn tất giải phóng mặt bằng trước tháng 8/2025 và khởi công dự án vào ngày 2/9/2025. Hiện quận Bắc Từ Liêm đã giải phóng được hơn 63 ha.
Dự án được chia thành nhiều phân khu chức năng: nghiên cứu - ứng dụng, sản xuất công nghệ cao, đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và khu lưu trú. Kiến trúc công trình có chiều cao từ 1 đến 8 tầng, một số điểm nhấn cao đến 25 tầng, mật độ xây dựng tối đa 30%.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, công nghệ sinh học là ngành mũi nhọn toàn cầu với các ứng dụng đột phá trong y tế, nông nghiệp và môi trường. Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu trong ứng dụng công nghệ sinh học, do đó những dự án quy mô lớn như Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội sẽ đóng vai trò “mở đường”, thu hút đầu tư quốc tế, chuyển giao công nghệ và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, để bảo đảm tính khả thi, UBND TP Hà Nội đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế quản lý tinh gọn, đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư theo Nghị định 10/2024/NĐ-CP. Hạ tầng giao thông cũng đang được đẩy mạnh, trong đó tuyến đường Văn Tiến Dũng kết nối Quốc lộ 32 đã hoàn thiện, tăng cường liên kết vùng.
Khi đi vào vận hành, Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội không chỉ là biểu tượng đổi mới sáng tạo mà còn là bước ngoặt trong hành trình đưa Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế-công nghệ hàng đầu khu vực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao chất lượng sống người dân./.