Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nghiên cứu các gói tín dụng ưu đãi để phát triển nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi, trong đó bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Thủ tướng, mục tiêu của chính sách này là tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là giới trẻ, có thể sở hữu nhà, góp phần xóa bỏ nhà tạm, nhà tan vỡ trên cả nước. Đồng thời, các ngân hàng cần tiếp tục linh hoạt thiết kế các gói tín dụng phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường, bao gồm cả việc cho thuê nhà.
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ người trẻ (18-45 tuổi) mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý, khoảng 6-7%/năm, bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó.
Việc này sẽ giúp tạo động lực cho người trẻ sở hữu nhà, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng. Trong bối cảnh giá nhà tại các đô thị lớn đang tăng mạnh, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chính sách này sẽ là yếu tố quan trọng giúp người dân tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn.
Tại sao người lao động hiện nay rất khó tìm được nhà ở?
Nhìn lại "cơn sốt" bất động sản do thiếu nguồn cung bắt đầu từ cuối 2022-2023-2024, do đó giá bất động sản vẫn tăng. Trong thời gian Covid-19, các dự án bị đình trệ, sau dịch người dân đi tìm mua nhà thì sản phẩm chưa hoàn thành. Đến năm 2023-2024, việc thiếu nguồn cung đã khiến giá nhà tăng rất cao và đột biến. Nếu cứ để như này, người lao động rất khó để tìm được nhà ở. Bây giờ người lao động đi tìm nhà giá tầm 50 triệu đồng/m2 rất khó và hiếm. Cả nhà chung cư cũ, tập thể cũ, cũng tăng gấp 1,5-2 lần so với trước đây, giá lên "kinh khủng". Đây là những tác động của thị trường bất động sản trong những năm vừa qua.
Trong năm 2024, để hỗ trợ và tạo thêm động lực cho thị trường bất động sản "vượt khó", Quốc hội đã phê chuẩn cho phép bộ 3 Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024. Luật mới được kỳ vọng sẽ tạo ra sự minh bạch và tăng thêm nhiều nguồn cung mới cho thị trường, từ đó giúp kéo giảm giá nhà.
Đến nay, sau hơn 6 tháng chính thức có hiệu lực, các ban, ngành, địa phương đã tăng tốc ban hành văn bản quy định chi tiết 3 luật, thống nhất xây dựng các nghị định, quyết định, thông tư để đưa các luật vào thực tiễn cuộc sống.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt sẽ còn mạnh mẽ hơn trong năm 2025, cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, chắc chắn nguồn cung bất động sản sẽ tăng trưởng mạnh trong năm tới.
Theo dự tính, nguồn cung mới bất động sản nhà ở tại Hà Nội ước đạt 3.000-7.000 sản phẩm, trong khi tại TP Hồ Chí Minh và các khu vực vùng ven có thể đạt hơn 8.000 sản phẩm. Bên cạnh đó, cộng với lượng sản phẩm tồn kho còn dang dở, chưa bán, thị trường trong năm nay sẽ khá dồi dào nguồn cung.
Chúng ta đang quyết tâm đạt GDP 8%, tăng trưởng kinh tế sẽ tốt lên. Như vậy, cả cầu thực và đầu tư sẽ có xu hướng tăng trong năm 2025. Về giá bán, giá bán năm 2025 sẽ có xu hướng điều chỉnh hợp lý hơn so với mức tăng quá mức so với năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm sâu sẽ khó xảy ra vì một số vấn đề như giá đất, bảng giá đất, chi phí đang có dấu hiệu tạo áp lực đầu vào cho giá thành cho sản phẩm bất động sản.