Ngành kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo đóng góp 20% GDP vào năm 2030

Tâm Anh - 04/12/2024

Để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành kinh tế số ICT của Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung vào việc phát triển hạ tầng số phổ cập, nâng cao chất lượng kết nối, tiện ích số, và các khu công nghệ thông tin tập trung.

Ngành kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo đóng góp 20% GDP vào năm 2030
Ảnh minh hoạ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp ICT của Việt Nam hiện đang ghi nhận doanh thu hàng năm đạt 150 tỷ USD, chiếm 55% tổng giá trị nền kinh tế số. Đặc biệt, phần lớn doanh thu này đến từ các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực lắp ráp điện tử và công nghệ điện tử. Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh toán điện tử của Việt Nam đã đạt 87%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra với tỷ lệ thanh toán trực tuyến 80% vào năm 2025.

Tại hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, ông Trần Minh Tuấn, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số, chia sẻ: “Ngành kinh tế số của Việt Nam phát triển khá đồng đều, nhưng hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào công nghiệp công nghệ số lõi. Tuy nhiên, các ngành, lĩnh vực khác sẽ là không gian phát triển cực kỳ tiềm năng, dự báo đến năm 2030, 80% giá trị nền kinh tế số sẽ đến từ các ngành này.”

Thực tế cho thấy nền kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia. Dự báo năm nay, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 18,3% vào GDP quốc gia, và sẽ đạt 20% vào năm 2030.

Các nhóm ngành có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế số bao gồm thương mại điện tử, nội dung số và tài chính - ngân hàng. Trong đó, thương mại điện tử được kỳ vọng đóng góp lớn nhất, chiếm 30% tổng giá trị nền kinh tế số. Chính vì vậy, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030 và mở rộng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới cùng hệ thống logistics giúp xuất khẩu nông sản Việt.

Lĩnh vực logistics mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, được xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, song thực tế chi phí logistics Việt Nam hiện cao hơn so với mức bình quân chung của thế giới là 10,6%. Nếu không thúc đẩy logistics phát triển, hàng hoá Việt Nam sẽ không có khả năng cạnh tranh với hàng hoá trên thế giới. Do đó, Chính phủ sẽ tăng cường kết nối, trao đổi, mở dữ liệu về logistics và chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy sử dụng nền tảng cảng biển số, nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải.

Trong khi đó, nhìn nhận từ thực tế toàn ngành kinh tế số Việt Nam, ông Phạm Minh Hoàn, Phó trưởng Bộ môn Công nghệ thông tin, Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số (Đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng hạ tầng số Việt Nam hiện chưa phát triển đồng bộ. Khung pháp lý chưa bắt kịp với tốc độ phát triển công nghệ, hạ tầng kỹ thuật số chưa đồng đều giữa các địa phương, chưa kể nguồn nhân lực có kỹ năng số còn hạn chế và chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì hạ tầng số còn là thách thức.

Để tăng cường năng lực cạnh tranh ngành kinh tế số ICT của Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đặc biệt tập trung phát triển hạ tầng số phổ cập và nâng cao chất lượng kết nối, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ và các khu công nghệ thông tin tập trung.

Trong đó, ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng cần cung cấp băng rộng di động tối thiểu 40Mbps, và cố định 100 Mbps: “Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai đồng bộ các biện pháp đo lường mạng lưới, nếu doanh nghiệp nào không đảm bảo yêu cầu sẽ chịu mức phạt theo quy định vì chất lượng mạng lưới sẽ quyết định sự phát triển của kinh tế số". 

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1437/QĐ-TTg, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025, với các mục tiêu cụ thể. Một trong những mục tiêu quan trọng là xác định chuyển đổi số là một quá trình toàn diện của cả tổ chức, trong đó người đứng đầu các cấp phải trực tiếp chỉ đạo và đảm bảo sử dụng hiệu quả các công nghệ số.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ phát triển kinh tế số dựa trên bốn trụ cột chính: kinh tế số ICT, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số. Việt Nam sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế để phát triển, đồng thời phát triển các nền tảng số và dữ liệu số như các yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi.

Cuối cùng, phát triển kinh tế số phải gắn liền với bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ chủ quyền số quốc gia, trong đó Việt Nam sẽ làm chủ các nền tảng số và dữ liệu số để tự chủ và tự cường trên không gian mạng.

Bài liên quan
Nga đã bắt đầu áp dụng Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác trong các giao dịch thanh toán quốc tế, một động thái đáng chú ý nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây.
Nga đã bắt đầu áp dụng Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác trong các giao dịch thanh toán quốc tế, một động thái đáng chú ý nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây.
Xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 3,1 tỷ USD trong 11 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch rau quả, với Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính.
04/12/2024
Giải Taekwondo Cảnh Sát Châu Á Mở Rộng 2024 diễn ra từ ngày 6-9/12 tại tỉnh Quảng Ninh đã kết thúc thành công rực rỡ. Đây không chỉ là sự kiện thể thao mà còn là cầu nối văn hóa, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
04/12/2024
Năm 2024, kinh tế toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như xung đột địa chính trị leo thang, giá dầu giảm, giá vàng tăng và thị trường tài chính biến động mạnh. Tuy nhiên, trong bức tranh chung, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
04/12/2024
Việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn kết hợp với kế hoạch sản xuất trong nước là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo nguồn cung và giữ ổn định giá cả trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
04/12/2024
Tin mới