Sau hơn 70 năm, Việt Nam chính thức thanh toán bệnh mắt hột

Báo Đầu tư - Thứ tư, ngày 16/04/2025 09:55 GMT+7

Sau hơn 70 năm kiên trì nỗ lực, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là quốc gia thứ 21 trên thế giới thanh toán thành công bệnh mắt hột – một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đây là dấu mốc quan trọng, không chỉ khẳng định năng lực hệ thống y tế dự phòng mà còn thể hiện sự chung tay bền bỉ của cả cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sau hơn 70 năm, Việt Nam chính thức thanh toán bệnh mắt hột
Lễ công bố Thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức

Vào đầu thế kỷ 20, bệnh mắt hột từng là “nỗi ám ảnh quốc gia” khi có tới hơn 90% dân số Việt Nam mắc phải. Căn bệnh do vi khuẩn gây ra này khiến hàng triệu người phải chịu cảnh đau đớn vì lông quặm, trầy xước giác mạc và nguy cơ mù lòa. Bệnh tập trung chủ yếu ở các khu vực nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sống còn nghèo nàn, thiếu nước sạch và cơ sở vệ sinh cơ bản.

Công cuộc phòng chống bệnh mắt hột chỉ thực sự khởi động một cách có hệ thống từ năm 1957, khi Viện Mắt hột, tiền thân của Bệnh viện Mắt Trung ương ra đời. Từ đây, hàng loạt chiến dịch y tế cộng đồng được triển khai rộng khắp cả nước, từ tuyên truyền vệ sinh cá nhân, xây dựng đội ngũ chuyên trách địa phương, tổ chức các đoàn xe khám chữa bệnh lưu động cho tới phẫu thuật miễn phí cho người dân. Những nỗ lực đó, cùng với sự đồng hành về kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế, đã giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả căn bệnh này trong nhiều thập kỷ.

Thành tựu chính thức được ghi nhận tại phiên họp lần thứ 75 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức tại Philippines vào tháng 10/2024, khi Việt Nam được vinh danh là quốc gia đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kiểm soát, giám sát và chăm sóc hậu thanh toán bệnh mắt hột. Hôm qua, ngày 14/4, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức Lễ công bố tại Bệnh viện Mắt Trung ương, đánh dấu một mốc son mới trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Việc thanh toán bệnh mắt hột không chỉ là chiến thắng về mặt y tế mà còn là biểu tượng cho tinh thần nhân văn và quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng ngành Y tế mà của cả xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh việc thanh toán bệnh mắt hột không đồng nghĩa với việc được phép lơ là hay chủ quan. Ngành Y tế cần tiếp tục duy trì giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, đồng thời tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức người dân về vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến nghị Việt Nam duy trì ba trụ cột then chốt: đảm bảo mọi người dân, ở mọi vùng miền đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt chất lượng; tiếp tục đầu tư vào các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; và tận dụng đà thành công này để thúc đẩy việc thanh toán các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác trong khu vực.

Bài liên quan
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) vừa công bố phát hiện hợp chất tự nhiên silybin có khả năng ức chế sự phát triển của ung thư gan.
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) vừa công bố phát hiện hợp chất tự nhiên silybin có khả năng ức chế sự phát triển của ung thư gan.
Áp xe vú là một trong những biến chứng hậu sản khiến nhiều bà mẹ lo lắng.
16/04/2025
Tất cả giáo viên công lập phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh, đây là đợt rà soát quy mô nhất của ngành giáo dục Tp Hồ Chí Minh.
16/04/2025
Tính đến 17h ngày 15/4, đã có 160.435 thí sinh thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên Hệ thống Quản lý thi.
16/04/2025
Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản báo cáo về tình hình triển khai việc dạy học 2 buổi/ngày đối với các cơ sở giáo dục phổ thông.
16/04/2025
Tin mới