Lần đầu tiên trong lịch sử, một Công ước của Liên hợp quốc sẽ được mở ký tại Hà Nội vào năm 2025, đánh dấu bước tiến lớn của Việt Nam trong việc góp phần định hình khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm đảm bảo an ninh mạng.
Chiều 24/12 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, Công ước sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước sẽ có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.
Với tên gọi "Công ước Hà Nội", sự kiện này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn, minh bạch, và phát triển bền vững.
Sau gần 5 năm đàm phán căng thẳng, "Công ước Hà Nội" ra đời như một thành quả từ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Trước tình trạng tội phạm mạng ngày càng gia tăng, cả về quy mô lẫn độ phức tạp, thiệt hại toàn cầu do loại tội phạm này gây ra được ước tính lên tới 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến đạt 10.500 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam đang khẳng định vị thế toàn cầu về an toàn không gian mạng. (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh đó, "Công ước Hà Nội" được kỳ vọng tạo nên một khuôn khổ pháp lý toàn diện, giúp các quốc gia hợp tác hiệu quả hơn để ứng phó với mối đe dọa từ không gian mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời đảm bảo các lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Việc đăng cai Lễ mở ký Công ước không chỉ là niềm tự hào mà còn khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh mạng và thúc đẩy pháp quyền trên không gian số. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là một thành viên có trách nhiệm, đồng thời góp phần xây dựng các khuôn khổ quản trị số toàn cầu.
Cùng với đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều bước đi mạnh mẽ để đấu tranh với tội phạm mạng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo lớn, trong đó có các vụ việc nghiêm trọng như đường dây của "Mr Pips" với số tiền lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng hay các tổ chức lừa đảo tài chính quy mô hàng trăm tỷ đồng. Những thành công này là minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam trong việc kiến tạo một không gian mạng lành mạnh và minh bạch.
Để tăng cường hiệu quả quản lý và xử lý tội phạm mạng, Nghị định 147/2024 của Chính phủ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Nghị định này không chỉ áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong nước mà còn mở rộng tới các đối tượng nước ngoài có liên quan đến hoạt động trên không gian mạng tại Việt Nam.
Điểm nổi bật của nghị định là các chế tài nhằm giải quyết tình trạng "vô danh nên vô trách nhiệm", nơi một số cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, tung tin giả, hoặc trốn thuế. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi có tới 70% các vụ lừa đảo trên mạng liên quan đến việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội.
Mặc dù nghị định và các biện pháp của Việt Nam nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, nhưng một số thế lực thù địch đã lợi dụng tình hình để xuyên tạc, chống phá. Những luận điệu cho rằng các quy định này là "kìm hãm tự do" thực chất chỉ nhằm mục đích duy trì một không gian mạng "hoang dã" để tiếp tục các hoạt động phá hoại.
Việt Nam kiên quyết bác bỏ những luận điệu này và khẳng định rằng việc xây dựng một không gian mạng lành mạnh không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân, mà còn góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Với "Công ước Hà Nội" và những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam đang chứng tỏ khả năng dẫn dắt và đóng góp tích cực vào việc định hình tương lai của không gian mạng toàn cầu./.