Xuất hiện tình trạng giả mạo nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Thứ sáu, ngày 13/09/2024 22:57 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ TT&TT, trong thời gian vừa qua, lợi dụng thiệt hại do bão số 3 gây ra tại một số tỉnh phía Bắc, đã xuất hiện trang cá nhân/fanpage mạo nhận là người bị ảnh hưởng.

Xuất hiện tình trạng giả mạo nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Ảnh minh hoạ.

Ngày 13/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 8/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới, đồng thời trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông đang được báo chí và dư luận quan tâm.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian vừa qua, lợi dụng thiệt hại do bão số 3 gây ra tại một số tỉnh phía Bắc, đã xuất hiện trang cá nhân/fanpage trên mạng xã hội mạo nhận là nạn nhân/người dân bị ảnh hưởng và Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thật về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả sau bão gây ảnh hưởng đến dư luận.

Cũng theo báo cáo, trong tháng 8/2024, số cuộc tấn công mạng là 349 cuộc, tăng 15,6% so với tháng 7/2024 (302 cuộc), giảm 75,1% so với cùng kỳ tháng 8/2023 (1.402 cuộc). Số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet là 446.207 địa chỉ, tăng 6,7% so với 7/2024 (418.238 địa chỉ), giảm 0,92% so với cùng kỳ tháng 8/2023 (450.328 địa chỉ).

Xuất hiện tình trạng giả mạo nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì cuộc họp

Về tổng quan ngành Thông tin và Truyền thông trong 8 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt 2.820.865 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 66,4% so với kế hoạch năm (4.245.382 tỷ đồng). Lợi nhuận ước đạt 208.210 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 72% so với kế hoạch năm (290.745 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 81.742 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 80,8% so với kế hoạch năm (101.126 tỷ đồng). Đóng góp vào GDP ước đạt 651.374 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 68% so với kế hoạch năm (953.682 tỷ đồng). Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 8/2024 ước khoảng 1.539.364 lao động, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Về một số hoạt động nổi bật tháng 8/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đã làm việc với các Bộ, cơ quan, tổ chức và một số doanh nghiệp của hai nước trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Hai bên đã thảo luận về các định hướng, ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, phát huy các thế mạnh của mỗi nước, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho công nghiệp bán dẫn và trao đổi kinh nghiệm về triển khai 5G theo chuẩn OpenRAN.

Ngày 21/8, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao giữa Công an TP Hà Nội và Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Viễn thông nhằm tăng cường sự hiểu biết, gắn kết giữa các đơn vị, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Ngày 22/8, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo công bố, phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2024. Đây cũng là hoạt động quan trọng trong hoạt động hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và VCCI trong việc hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ngày 26/8, Đoàn công tác tỉnh Bình Dương do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để thảo luận về đề án thành lập Khu CNTT tập trung tại Bình Dương. Theo đó, Khu CNTT tập trung Bình Dương sẽ được phát triển với sự liên kết toàn vùng Đông Nam Bộ, tận dụng tiềm năng và lợi thế của địa phương để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp CNTT trong toàn vùng

Từ ngày 14/8 - 15/8, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lớp tập huấn cho Trung tâm Internet quốc gia Lào về xác thực điện tử và chữ ký số.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục xây dựng hồ sơ trình Chính phủ Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ ban hành Phương án Tổ chức đấu giá băng tần 700 MHz; phát triển nền tảng giám sát, khai thác dữ liệu tài nguyên Internet 2.0; xây dựng và triển khai nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến; tổ chức Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2024; xây dựng và triển khai nền tảng Kết nối Internet an toàn (SafeNet); nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đề xuất xây dựng Bộ thể chế số cho Việt Nam; tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025; Sơ kết 2 năm thực hiện phát triển nền tảng số trong nước; Sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị thi đua, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong công tác thông tin cơ sở năm 2024; Hội nghị tổng kết 15 năm công tác liên ngành về phòng, chống in lậu.

Ngoài ra, trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận, xử lý và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ 25 kiến nghị của cử tri. Nội dung kiến nghị của cử tri tập trung vào những vấn đề liên quan đến việc; giải quyết tình trạng "SIM rác", tin nhắn rác, "tài khoản rác"; phủ sóng các thôn, bản nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thông tin giả mạo lừa đảo, kiểm soát, kiểm duyệt hiệu quả hơn đối với các thông tin được truyền tải trên Internet... và một số vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Bài liên quan
Vụ nổ Cybertruck ở Las Vegas không chỉ là một cú sốc an ninh khi Matthew Livelsberger sử dụng ChatGPT để lên kế hoạch, mà còn làm chao đảo với nhiều lĩnh vực.
Vụ nổ Cybertruck ở Las Vegas không chỉ là một cú sốc an ninh khi Matthew Livelsberger sử dụng ChatGPT để lên kế hoạch, mà còn làm chao đảo với nhiều lĩnh vực.
Apple iPhone 17 sẽ phải đối mặt với thử thách lớn đó là duy trì sự sáng tạo hay tiếp tục lối mòn thiết kế. Những cải tiến nhỏ nhặt của iPhone 17 không thể làm người dùng xao xuyến trước cuộc cạnh tranh khốc liệt.
13/09/2024
Sự phát triển của AI đang đặt ra câu hỏi về tác động của nó đến biến đổi khí hậu. Các tập đoàn công nghệ thừa nhận tiêu thụ năng lượng khổng lồ và phát thải khí nhà kính, nhưng cũng mở ra cơ hội cho giải pháp bền vững.
13/09/2024
CES 2025 đã chứng kiến sự xuất hiện của những robot humanoid đột phá, từ Aria và Melody của Realbotix đến Apollo của Apptronik, mở ra một chương mới trong lịch sử công nghệ robot.
13/09/2024
Các công nghệ mới đang được giới thiệu tại CES 2025 hứa hẹn sẽ kiểm soát cháy rừng hiệu quả hơn, trong bối cảnh thảm kịch cháy rừng tại Los Angeles gần đây đã gây ra những mất mát khủng khiếp do không được kiểm soát kịp thời.
13/09/2024
Tin mới