Dù kỳ vọng thu về thêm 500 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, sau hơn nửa năm mở cửa thị trường, ngành hàng này vẫn chưa có lô hàng nào được xuất đi.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2024, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho thị trường này với sản lượng đạt 736,72 nghìn tấn, chiếm 47,2% tổng lượng nhập khẩu. Đây cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, với lượng xuất khẩu tăng 49,4% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 2,94 tỷ USD, tăng 37,5%. Tuy nhiên, giá trung bình giảm 8%, chỉ còn 3.991 USD/tấn.
Mặc dù sầu riêng tươi liên tục gia tăng sản lượng xuất khẩu, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận thị trường Trung Quốc sau hơn nửa năm được cấp phép.
Các sản phẩm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng (không có vỏ). Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, một số doanh nghiệp trong nước đã được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Tuy nhiên, họ vẫn chưa triển khai do thiếu hướng dẫn chi tiết về quy trình giao nhận và thủ tục thông quan tại biên giới.
Một trong những rủi ro lớn nhất là giá trị mỗi lô hàng rất cao, từ 7-8 tỷ đồng, gấp 3-4 lần sầu riêng tươi. Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Trung Quốc, hàng có thể bị trả về, gây thiệt hại lớn và có nguy cơ bị tạm ngừng xuất khẩu, thu hồi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Ngoài ra, một doanh nghiệp trong ngành cũng cho biết, Trung Quốc có nhu cầu lớn với sầu riêng đông lạnh, nhưng các yêu cầu về kiểm nghiệm dư lượng hóa chất là một rào cản lớn. Hiện nay, dư lượng hóa chất trong sầu riêng Việt Nam chưa thực sự ổn định, khiến doanh nghiệp e ngại khi xuất khẩu. Hơn nữa, việc đàm phán hợp đồng và điều kiện giao nhận hàng cũng gặp khó khăn do mỗi container có giá trị cao.
Theo bà Phan Thị Mến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và công nghệ SUTECH, tiêu chuẩn sản xuất sầu riêng đông lạnh khắt khe hơn nhiều so với sầu riêng tươi. Doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn như HACCP, ISO 22000:2018, BRC, FSSC 22000…
Cơ sở chế biến cần đảm bảo kiểm soát nghiêm ngặt các nguy cơ vi sinh, nấm mốc từ nguyên liệu đầu vào. Quy trình vận chuyển phải an toàn tuyệt đối để tránh hư hỏng sản phẩm. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng phải được kiểm soát chặt chẽ.
Quá trình chế biến như tách múi, tách hạt, xay nhuyễn và cấp đông cũng đòi hỏi quản lý nghiêm ngặt về an toàn sinh học, hóa học và vật lý nhằm tránh nhiễm khuẩn E.Coli, Salmonella… Nhà xưởng phải thiết kế theo nguyên tắc một chiều để tránh lây nhiễm chéo. Sầu riêng đông lạnh cần được xử lý ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong ít nhất 1 giờ, đảm bảo nhiệt độ lõi đạt -18°C hoặc thấp hơn trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển.
Tại Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh Malaysia đang chiếm ưu thế, đặc biệt là loại Musangking nguyên quả. Malaysia tập trung đầu tư vào chất lượng và hình thức, với trái sầu Musangking tròn đều, có mùi thơm nhẹ, không quá nồng như Ri6 của Việt Nam. Bên cạnh đó, họ còn đẩy mạnh thương hiệu bằng cách tổ chức các lễ hội trái cây tại Trung Quốc, giúp sản phẩm trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.
Việc sầu riêng đông lạnh được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn cho ngành chế biến nông sản Việt Nam. Không chỉ sầu riêng, nhiều mặt hàng chế biến khác cũng có tiềm năng xuất khẩu, nhờ vào khả năng bảo quản lâu, giữ được giá trị dinh dưỡng và hương vị.
Xu hướng tiêu dùng hiện đại ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến. Do đó, việc cập nhật thị hiếu và đáp ứng nhu cầu thị trường là điều cần thiết. Ngành sầu riêng cần chuyển đổi từ mô hình thương mại thuần túy sang đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao công nghệ, từ đó gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, để phát triển bền vững, Việt Nam cần kiểm soát chất lượng từ gốc. Theo đó, tất cả sầu riêng trước khi thu hoạch cần được kiểm nghiệm các chỉ tiêu như Cadimin, vàng O… đạt chuẩn mới được xuất bán. Minh bạch thông tin và đảm bảo chất lượng chính là chìa khóa để ngành sầu riêng Việt Nam phát triển bền vững trên thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc./.