Giá cà phê nội địa đang ở mức cao kỷ lục 128.000 đồng/kg, nhưng theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VIFOCA), đây là giai đoạn mà nông dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước những biến động mạnh mẽ trên thị trường.
Bước vào niên vụ cà phê 2024-2025, nông dân Việt Nam đã thu hoạch được khoảng 30% sản lượng, tuy nhiên, chỉ 10% sản phẩm được giao dịch để làm nguyên liệu xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý chờ giá lên của nông dân, trong bối cảnh giá cà phê thế giới đang có nhiều biến động phức tạp.
Theo VIFOCA, giá cà phê Robusta trên sàn London liên tục dao động, với mức biến động trung bình lên đến hàng trăm USD/tấn mỗi phiên giao dịch. Tại thị trường trong nước, giá thu mua cà phê đạt mức 128.000 đồng/kg – cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người nông dân.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định: “Trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân chúng ta phải cân nhắc, kể cả việc mở rộng phát triển diện tích và việc bán giá thế nào, thời gian nào cho hiệu quả. Nếu chúng ta không cân nhắc, cứ tập trung vào đầu cơ mà không bán, cứ chờ giá lên thì rủi ro cao”.
Ngoài ra, tình trạng chờ giá của nông dân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu, khiến nguồn cung cho thị trường quốc tế bị gián đoạn trong niên vụ này.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, nông dân cần theo dõi sát diễn biến thị trường và tham khảo ý kiến từ các tổ chức, hiệp hội để đưa ra quyết định hợp lý, vừa đảm bảo lợi nhuận, vừa duy trì sự ổn định cho ngành cà phê Việt Nam.