Để đối phó với thuế quan, Hyundai Motor dự kiến nâng công suất nhà máy tại Mỹ lên 500.000 xe/năm, trong khi Kia cân nhắc điều chỉnh giá và địa điểm sản xuất.
Các nhà sản xuất ô tô và bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc đang đối mặt với thách thức lớn khi Mỹ chuẩn bị áp thuế nhập khẩu cao. Trước tình hình này, nhiều hãng đã lên kế hoạch điều chỉnh chiến lược sản xuất và kinh doanh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với ô tô, chip và có thể cả dược phẩm nhập khẩu. Để đối phó, Hyundai Motor dự kiến nâng công suất nhà máy tại Mỹ lên 500.000 xe/năm, trong khi Kia cân nhắc điều chỉnh giá và địa điểm sản xuất.
Trong ngành bán dẫn, Samsung và SK Hynix theo dõi chặt diễn biến, do chất bán dẫn Hàn Quốc chiếm 7% lượng chip nhập khẩu của Mỹ. Các hãng xe Nhật Bản như Honda, Nissan và Mazda đang xem xét chuyển một phần sản xuất từ Mexico và Canada sang Mỹ để giảm thiểu tác động. Chính sách thuế mới dự kiến ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng ô tô và làm tăng đáng kể chi phí sản xuất.
Tương tự, thông báo có thể áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu như ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Malaysia.
Tại phiên họp Quốc hội, Ngoại trưởng Datuk Seri Mohamad Hasan cho biết, 60% tổng kim ngạch thương mại của Malaysia với Mỹ là hoạt động xuất khẩu các sản phẩm điện và điện tử (E&E). Nếu không sớm giải quyết, điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Malaysia.
Theo đó, Ngoại trưởng Mohamad Hasan đề xuất, ASEAN cần sớm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Mỹ để thảo luận về vấn đề thuế quan với chính quyền Mỹ. Các quốc gia thành viên ASEAN cần đưa ra các quan điểm riêng nhằm đảm bảo mức thuế mới không trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế của Malaysia nói riêng và các quốc gia trong khu vực nói chung.
Bằng cách thúc đẩy nền sản xuất trong nước, Mỹ đang có ý định áp mức thuế cao ngay cả đối với công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài. Malaysia cho rằng, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (ASEAN-GCC) và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - GCC - Trung Quốc là một chiến lược đúng đắn nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại thông qua việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa khu vực và các thị trường tiềm năng khác.
Ngoại trưởng Mohamad Hasan cũng nhận định, ASEAN, GCC và Trung Quốc nên sớm tổ chức các cuộc thảo luận về quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư. Điều này là do Trung Quốc và GCC là những thị trường lớn, trong khi đó ASEAN được đánh giá là có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nếu xây dựng được quan hệ thương mại, đầu tư tốt với Trung Quốc và GCC, ASEAN có thể sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030./.