Chính phủ Canada đang đàm phán với tập đoàn Rio Tinto nhằm cung cấp các hỗ trợ tài chính để đối phó với mức thuế quan cao của Mỹ.
Một phát ngôn viên của văn phòng Bộ trưởng Công nghiệp liên bang Mélanie Joly cho biết, Ottawa đang tích cực đàm phán về cách thức hỗ trợ tốt nhất cho ngành công nghiệp nhôm của Canada trong bối cảnh mức thuế quan cao của Mỹ, với mục tiêu hỗ trợ tăng đầu tư vào lĩnh vực này. "Đây là một phần của cuộc thảo luận lớn hơn, trong đó mọi thứ đều được đưa ra thảo luận", Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội Nhôm Canada Jean Simard cho biết, đồng thời nói thêm rằng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Canada có thể sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất nhôm trong nước nếu Mỹ tiếp tục áp thuế 50% đối với nhôm nhập khẩu từ Canada. Hiệp hội Nhôm Canada cũng đã đề cập đến khả năng các công ty thành viên sẽ phải tìm kiếm thị trường ở châu Âu nếu thuế quan tiếp tục được duy trì.
Bên cạnh đó, Simard cho biết, mặc dù các nhà sản xuất nhôm lớn hoạt động tại Canada không gặp vấn đề về thanh khoản, nhưng mức thuế 50% của Mỹ đối với nhôm nhập khẩu chắc chắn sẽ tác động đến tài chính nếu tình hình này kéo dài.
Theo thống kê, khoảng một nửa lượng nhôm được sử dụng tại Mỹ là nhôm nhập khẩu, phần lớn đến từ Canada.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng gấp đôi thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 50% vào tháng trước, tăng thêm áp lực lên các nhà sản xuất thép toàn cầu.
Ngay sau đó, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết họ chuẩn bị kế hoạch trả đũa nếu không thể đàm phán dỡ bỏ các loại thuế nhập khẩu này. "Chúng tôi đang đàm phán tích cực với Mỹ, đồng thời chuẩn bị phương án trả đũa nếu việc này không thành công", ông cho biết trước Hạ viện Canada.
Giải cứu thép nội địa - nhiệm vụ không dễ với Canada
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thép Canada, ngành thép là một ngành công nghiệp trị giá 11 tỷ USD, sử dụng 23.000 lao động và hỗ trợ thêm 100.000 việc làm gián tiếp.
Các doanh nghiệp và công đoàn lớn của Canada cho biết, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép có thể khiến nhiều người mất việc làm và doanh thu giảm sút.
Ông Marty Warren, Giám đốc quốc gia của United Steelworkers Canada, nhấn mạnh: “Hàng nghìn việc làm và sự ổn định của các cộng đồng phụ thuộc vào ngành công nghiệp thép và nhôm đang đứng trước rủi ro đáng kể. Canada cần có phản ứng phù hợp để bảo vệ người lao động cũng như năng lực sản xuất trong nước”.
"Việc này sẽ có tác động rất nhanh đến ngành thép", Lana Payne - Chủ tịch công đoàn lớn nhất khu vực tư nhân tại Canada Unifor - cho biết. Unifor kêu gọi Thủ tướng Canada đáp trả ngay lập tức và thúc giục Canada dừng xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Mỹ. Hàng trăm công nhân ngành thép của nước này đã mất việc kể từ khi các vòng áp thuế đầu tiên có hiệu lực. Unifor cảnh báo tình trạng sa thải có thể lan sang ngành ôtô và hàng không vũ trụ.
Tim Houtsma, CEO hãng thép Marid Industries, cho biết thuế mới khiến họ không thể bán hàng sang nước láng giềng. "Chúng tôi sẽ thắt lưng buộc bụng, xem xét lại cẩn thận chi phí, vì sẽ phải dừng xuất sang thị trường Mỹ một thời gian", ông nói.
Tuy nhiên, trước khó khăn, Thủ tướng Carney lạc quan cho biết: "Những người lao động trong ngành thép và nhôm đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng thương mại này, họ là những người lao động sẽ giúp chúng ta xây dựng một nền kinh tế Canada vững mạnh".
Hiệp hội Nhôm Canada cũng cho biết, thuế 50% sẽ khiến các công ty thành viên của họ phải đa dạng hóa sản xuất sang châu Âu.
Sau khi Mỹ áp thuế nhôm, thép vòng đầu tiên hồi tháng 3, Canada cũng ngay lập tức trả đũa bằng thuế 25% lên lượng hàng nhập khẩu trị giá 29,8 tỷ đôla Canada (21,79 tỷ USD) từ Mỹ. Các sản phẩm chịu ảnh hưởng là nhôm, thép, máy tính, thiết bị thể thao, các sản phẩm gang đúc.
Jeremy Flack - CEO hãng sản xuất và kinh doanh thép Flack Global (Mỹ) - cho biết, thuế trả đũa của Canada khiến các đơn hàng của họ bị đình trệ và nhu cầu thép sụt giảm. "Chúng tôi không nhận được đơn hàng nào. Khối lượng bắt đầu giảm từ tháng 2 rồi", Flack nói.
Hiện nay, các công ty thép cho biết đang cố gắng tăng doanh số bán hàng trong nước trong khi những nhà sản xuất thép trên toàn cầu để mắt đến thị trường Canada như một cách để bù đắp cho doanh số bán hàng bị mất tại Mỹ.
Bộ Tài chính Canada sẽ hạn chế lượng thép nước ngoài nhập khẩu bằng cách áp thuế đối với các mặt hàng vượt quá ngưỡng quy định từ những quốc gia không có FTA với Canada. Chính sách này, được gọi là "hạn ngạch thuế quan", cho phép các quốc gia không có thương mại tự do xuất khẩu sang Canada một lượng thép tương ứng với những năm gần đây, nhưng áp dụng mức thuế quan 50% nếu vượt quá ngưỡng được chỉ định trong bất kỳ quý nào./.