Năm 2025, xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024.
Năm 2024 đang dần khép lại với kết quả xuất khẩu tích cực của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực. Gạo nổi bật với giá trị xuất khẩu cao trên 5,3 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chào và ký kết các hợp đồng bán gạo cho năm 2025.
Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba năm vừa qua đã có hành trình tăng ấn tượng. Tăng tới trên 28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng hai con số. Nhưng theo Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam, năm sau xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024 vì nguồn cung gạo thế giới sẽ trở nên dồi dào hơn.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đó.
Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: "Nhiều nước xuất khẩu gạo trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung lương thực, bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã mở lại cung hàng. Có thể, vì những lý do trên, giá gạo xuất khẩu trung bình có thể giảm xuống dưới 600 USD/tấn".
Các doanh nghiệp xuất khẩu cùng chung quan điểm với giới chuyên gia, giá gạo có thể giảm nhẹ khi nguồn cung phục hồi, nhưng cơ hội của gạo Việt Nam vẫn có khi chất lượng được chú trọng để đảm bảo những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.
Ông Trương Mạnh Linh - Giám đốc Điều hành Ngành gạo Tập đoàn Tân Long chia sẻ: "Làm tận gốc, bán tận ngọn, có nghĩa là chúng tôi liên kết trực tiếp với các hộ nông dân, các hợp tác xã, cử kỹ sư đến hướng dẫn canh tác theo đúng nhu cầu của thị trường".
Nhìn tín hiệu thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, ngành gạo trong năm tới tiếp tục tăng cường các giống lúa chất lượng cao, ứng phó với hạn mặn và biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu việc đối với diện tích nào phù hợp lúa chất lượng cao, năng suất cao và những diện tích lúa nào kém hiệu quả vẫn duy trì được một phần chất lượng cao chuyển sang chuyển đổi cơ cấu sang trồng lúa rươi, lúa cá, lúa tôm cũng là một hình thức xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam".
Nguồn cung dồi dào hơn, giá cả cạnh tranh hơn và nhu cầu ổn định được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho thấy cạnh tranh đang gia tăng trên thị trường gạo toàn cầu, buộc các doanh nghiệp phải linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu của mình./.