Chủ động kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Ánh Tuyết - Thứ ba, ngày 15/07/2025 07:05 GMT+7

6 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 3,27% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho cả năm (dưới 4,5-5%). Kết quả này không chỉ cho thấy lạm phát vẫn được kiểm soát hiệu quả, mà còn mở ra dư địa quan trọng để điều hành linh hoạt chính sách kinh tế vĩ mô trong nửa cuối năm.

Chủ động kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Lạm phát vẫn được giữ trong tầm kiểm soát, mở ra dư địa quan trọng cho việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong nửa cuối năm.

Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), CPI tháng 6 năm 2025 tăng 0,48% so với tháng trước, chủ yếu do giá nhiên liệu và vật liệu xây dựng tăng mạnh. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024, trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,16%. Mức tăng này phần lớn đến từ giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 3,69%, đóng góp 1,24 điểm phần trăm vào CPI chung. Riêng giá thịt lợn đã tăng tới 12,75% do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng mạnh trong các dịp lễ, Tết, góp phần khiến CPI tăng thêm 0,43 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá thuê nhà, chi phí bảo dưỡng nhà ở và một số dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng cũng góp phần đẩy CPI đi lên.

Là một chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động giá cả tiêu dùng, CPI đóng vai trò then chốt trong việc đánh giá tình hình lạm phát. Nếu CPI tăng nhanh sẽ kéo theo sức mua giảm, gây ra tác động tiêu cực đến tăng trưởng và đời sống người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác kiểm soát lạm phát của Việt Nam phải đối mặt với không ít áp lực đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài, bao gồm biến động giá hàng hóa toàn cầu, chi phí sản xuất tăng cao và sự thay đổi tỷ giá USD. Đồng thời, việc triển khai các chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy đầu tư công và tăng trưởng du lịch tuy góp phần thúc đẩy GDP, nhưng cũng tạo thêm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt và sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ đã giữ được kỳ vọng lạm phát ở mức ổn định. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, việc CPI được giữ vững trong bối cảnh nhiều yếu tố gây sức ép là minh chứng cho sự điều hành chủ động và hiệu quả, trong đó chính sách tiền tệ được thực hiện theo hướng “đi trước một bước” nhưng vẫn đảm bảo không siết chặt quá mức, tránh gây cú sốc cho thị trường.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Oanh – Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá (Cục Thống kê) – cho rằng, diễn biến CPI nửa đầu năm cho thấy lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành giá cả trong phần còn lại của năm. Đây cũng là kết quả của chính sách vĩ mô thận trọng và hợp lý thời gian qua.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều biến số khó lường có thể ảnh hưởng đến lạm phát trong 6 tháng tới. Trên phạm vi toàn cầu, giá dầu có xu hướng tăng trở lại do bất ổn địa chính trị và chính sách giảm sản lượng từ OPEC+. Chi phí vận chuyển quốc tế gia tăng, giá lương thực biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các rào cản thương mại mới từ các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, có thể gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Những yếu tố này sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, nhất là nguyên vật liệu đầu vào sản xuất.

Với nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc lớn vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu như Việt Nam, bất kỳ biến động nào từ bên ngoài đều có thể khiến giá thành sản phẩm nội địa tăng theo. Thêm vào đó, việc đồng USD tăng giá càng làm gia tăng chi phí nhập khẩu, gây thêm sức ép lên mặt bằng giá trong nước. Một yếu tố khác cũng cần theo dõi chặt chẽ là tốc độ cung tiền và tín dụng. Trong năm 2025, Chính phủ định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 16% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên. Nếu tín dụng và cung tiền mở rộng quá nhanh, áp lực lạm phát từ phía cầu sẽ trở nên rõ rệt hơn.

Ngoài các yếu tố bên ngoài, hoạt động phục hồi kinh tế, giải ngân đầu tư công và sự trở lại mạnh mẽ của ngành du lịch cũng góp phần tạo ra sức cầu lớn, có thể làm tăng nguy cơ lạm phát trong thời gian tới.

Trong bối cảnh năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhiệm vụ giữ ổn định mặt bằng giá càng trở nên cấp thiết, không chỉ để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng mà còn nhằm ổn định đời sống dân sinh. Theo chuyên gia Ngô Trí Long, để duy trì CPI trong tầm kiểm soát, Chính phủ cần tiếp tục linh hoạt trong điều hành giá cả, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, kiểm soát giá dịch vụ công và ổn định tỷ giá.

Một số khuyến nghị khác từ giới chuyên gia bao gồm: duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, tránh nới lỏng quá mức để không gây áp lực lên lạm phát; sử dụng linh hoạt các công cụ thị trường như mua/bán ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất để bình ổn tỷ giá và hạn chế sự mất giá của đồng Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê – cũng đề xuất Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần theo sát diễn biến giá cả thế giới, sớm cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường trong nước, từ đó có giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo nguồn cung và giữ ổn định giá.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo hoạt động cung ứng và phân phối hàng hóa không bị gián đoạn, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược có thể bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu hay căng thẳng địa chính trị. Cơ quan quản lý cũng cần tăng cường giám sát giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas..., đồng thời chủ động chuẩn bị nguồn hàng để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý hoặc những thông tin gây nhiễu loạn thị trường.

Bài liên quan
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam MXV, tâm lý giằng co tiếp diễn trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần qua (7-13/7). Chốt tuần, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,3% so tuần trước, đạt mức 2.229 điểm.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam MXV, tâm lý giằng co tiếp diễn trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần qua (7-13/7). Chốt tuần, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,3% so tuần trước, đạt mức 2.229 điểm.
Mexico cảnh báo việc áp thuế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng của khu vực Bắc Mỹ.
15/07/2025
Thỏa thuận giữa Nga và Liên hợp quốc về việc tạo điều kiện cho xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga sẽ không được gia hạn sau ngày 22/7.
15/07/2025
IMF cho biết đang theo dõi sát các động thái mới của Mỹ liên quan đến thuế quan, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn.
15/07/2025
Giữa làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và sức ép chuyển đổi xanh ngày càng lớn, ngành logistics Việt Nam không chỉ đối mặt thách thức sống còn mà còn đứng trước cơ hội vươn lên định vị mới.
15/07/2025
Tin mới