Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước chưa có sự thay đổi do lạm phát và các yếu tố rủi ro vẫn trong tầm kiểm soát. Đây là nhận định của ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), tại buổi chia sẻ về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 do UOB tổ chức chiều 4/3.
Theo ông Suan Teck Kin, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ không thay đổi trong thời gian tới, do lạm phát và các yếu tố rủi ro khác vẫn trong phạm vi cho phép để ngành ngân hàng mở rộng các gói tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, với áp lực tăng của tỷ giá USD/VNĐ và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa vội cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn nếu muốn giảm lãi suất điều hành. Mặc dù lạm phát đang được kiểm soát, nhưng vẫn ở mức cao, khiến cơ quan quản lý chưa thể cắt giảm lãi suất. Do đó, giải pháp hiện tại là linh hoạt điều hành lãi suất, cân đối với tỷ giá để thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, phân tích rằng trong vài tháng gần đây, thị trường ghi nhận một số ngân hàng thương mại tăng mạnh lãi suất huy động, nhưng đây chỉ là diễn biến cục bộ. Hiện nay, các ngân hàng thương mại lớn vẫn áp dụng lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng quanh mức 4,8-5%/năm, trong khi nhóm ngân hàng cổ phần có mức lãi suất khoảng 5,5%/năm và ổn định trong những tháng gần đây. Đây là mức lãi suất phù hợp trong bối cảnh VNĐ đã giảm giá khoảng 5% so với USD trong năm 2024.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn, khoảng 8% trong năm 2025, đi cùng giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI trọng điểm vào công nghệ, cơ quan quản lý cũng đề cập đến việc mở rộng tín dụng mạnh mẽ. Điều này có thể gây sức ép khiến lãi suất VNĐ tăng nhẹ trong năm 2025, nhưng nếu lãi suất USD trên thị trường quốc tế giảm và kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn, áp lực này sẽ được cân bằng. Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong trung và dài hạn, tạo cơ sở vững chắc để ổn định lãi suất và tỷ giá.
Trước đó, trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới, với mức tăng 3,8% trong tháng 2/2025 so với mức 3,6% của tháng 1/2025. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp lạm phát duy trì dưới mức 4% so với cùng kỳ. Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8%, so với mức 6,5-7% trước đó, với kỳ vọng lạm phát sẽ dao động trong khoảng 4,5-5%, nhằm tạo dư địa cho chính sách tiền tệ linh hoạt.
"Triển vọng tăng trưởng mạnh hơn có thể giúp duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý II/2025 nhằm ứng phó với lạm phát gia tăng" – chuyên gia của Standard Chartered nhận định.
Liên quan đến điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn nỗ lực giữ lãi suất ổn định. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện ổn định lãi suất tiền gửi, đồng thời đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay. Đây là động thái nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên trong năm 2025./.