Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 62,5 tỷ USD, trong đó riêng cà phê đạt gần 5,5 tỷ USD với hơn 1,3 triệu tấn xuất khẩu. Giá cà phê xuất khẩu tăng cao là một yếu tố quan trọng giúp cà phê Việt Nam đạt mốc xuất khẩu trên 5 tỷ USD, trở thành mặt hàng nông sản chủ lực cùng với rau quả và gạo.
Giá cà phê trong nước cũng tăng mạnh, dao động trên 120.000 đồng/kg và có lúc chạm mốc 130.000 đồng/kg, mức cao kỷ lục. Điều này mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân.
Bà H'Yiăm M'lô ở TP Buôn Ma Thuột cho biết, dù năm nay không được mùa nhưng nhờ giá cao, gia đình bà không chỉ vượt qua khó khăn mà còn có thể đầu tư cải tạo vườn cà phê già cỗi để phát triển kinh tế.
Đắk Lắk với hơn 210.000 ha cà phê, sản lượng bình quân trên 500.000 tấn/năm, cũng ghi nhận niên vụ 2024 - 2025 có sản lượng giảm 5-10% do khô hạn. Tuy nhiên, giá cà phê cao giúp bà con duy trì thu nhập tốt, tạo động lực để tiếp tục đầu tư vào cây cà phê.
Theo các chuyên gia, nếu giá cà phê duy trì ổn định trên 120.000 đồng/kg, điều này không chỉ cải thiện đời sống cho bà con mà còn khuyến khích họ gắn bó lâu dài với cây cà phê.
Sang năm 2025, cơ hội cho cà phê Việt Nam càng lớn khi Brazil, quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu, dự kiến giảm sản lượng do hạn hán và nhiệt độ cao. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu cà phê của Brazil sẽ giảm 2,6 triệu bao, trong khi Việt Nam dự kiến tăng 1,8 triệu bao nhờ nguồn cung cải thiện.
Với giá xuất khẩu tăng và nguồn cung ổn định, cà phê Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để nâng cao vị thế trên thị trường thế giới./.