Quy mô rộng hơn, triển khai nhanh hơn… là các điểm mới trong chính sách thuế quan tại nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khi Tổng thống Trump chuẩn bị kết thúc 2 tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai, chính sách thuế quan lại trở thành tâm điểm, với tiềm năng gây tác động lớn hơn cả giai đoạn 2018-2019. Vậy, chính sách thuế quan lần này có gì khác biệt?
Điểm khác biệt trong chính sách thuế quan lần này của Mỹ đầu tiên là "lớn nhất". Đây là giai đoạn mà nước Mỹ tiến hành đợt áp thuế quan lớn nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái năm 1930.
Cột mốc năm 1930 có ý nghĩa quan trọng bởi đó là thời điểm Mỹ ban hành đạo luật Smoot-Hawley, tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hơn 20.000 mặt hàng. Với chính sách áp thuế hiện nay của chính quyền Tổng thống Trump, có khả năng cao chúng ta sẽ chứng kiến một mức thuế cao chưa từng có mà Mỹ áp đặt lên các đối tác thương mại.
Điểm nổi bật là tốc độ: Chính quyền Trump đã đẩy nhanh việc áp thuế nhờ sử dụng hiệu quả các điều khoản pháp lý, thay vì các cuộc điều tra kéo dài.
Điểm khác biệt lớn so với nhiệm kỳ trước là tốc độ áp thuế. Nếu như trước đây, chính quyền ông Trump sử dụng Mục 301 của Đạo luật thương mại, với thời gian điều tra trung bình lên tới 12 tháng cho mỗi sản phẩm, thì hiện nay, họ sử dụng các quy định khác, cho phép áp thuế ngay chỉ sau 1-2 tháng kể từ khi Tổng thống ký lệnh.
Chính quyền Trump đã đẩy nhanh việc áp thuế nhờ sử dụng hiệu quả các điều khoản pháp lý, thay vì các cuộc điều tra kéo dài.
Ông John Kirton - Giảng viên Đại học Toronto, Canada cho biết: "Ông Trump đã nói rất rõ ràng từ đầu, rằng ông là một chính khách của thuế quan. Từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử cho tới khi giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nên chính sách áp thuế đã diễn ra rất khẩn trương ngay sau đó".
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Nước Mỹ đã bị trục lợi suốt một thời gian dài. Và chúng tôi sẽ không để chuyện này tiếp diễn nữa".
Một khái niệm mới được áp dụng trong chính sách thuế quan lần này là 'thuế đối ứng'. Khái niệm này nhằm mục đích giải quyết sự chênh lệch thuế quan giữa các thị trường đối với cùng một mặt hàng. Ví dụ, ô tô sản xuất tại Mỹ khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) phải chịu mức thuế 10%, trong khi ô tô sản xuất tại EU nhập khẩu vào Mỹ chỉ chịu mức thuế 2,5%.
Đây là điều Tổng thống Mỹ gay gắt phản đối và coi đó là sự bất công mà doanh nghiệp Mỹ và kinh tế Mỹ đang phải chịu. Ông Trump sẽ dùng thuế đối ứng, tức đánh thuế cao lên để làm sao ô tô Mỹ hay ô tô EU đều phải chịu mức thuế bằng nhau.
Ấn Độ và Thái Lan được xem là những quốc gia châu Á dễ bị tổn thương nhất trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Do mức thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ của họ cao hơn đáng kể so với thuế Mỹ áp dụng, Ấn Độ và Thái Lan được xem là những quốc gia châu Á dễ bị tổn thương nhất trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Ấn Độ, với thặng dư thương mại 32 tỷ USD với Mỹ, đã cử Thủ tướng Modi đến Washington để đàm phán về thương mại và giảm thiểu tác động của thuế quan. New Delhi cũng đang xem xét giảm thuế để tránh bị Mỹ áp thuế.
Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp dụng 'thuế đối ứng', đáp trả bất kỳ mức thuế nào mà các quốc gia khác áp lên hàng hóa Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh ngày 2/4 sẽ là 'ngày vô cùng quan trọng' để Mỹ 'lấy lại những gì thuộc về mình'.
"Liên minh châu Âu cũng đã lên danh sách các mặt hàng, bao gồm gỗ, thực phẩm và các sản phẩm khác để đáp trả thuế quan của Mỹ. Tình hình có thể leo thang và biến thành một cuộc chiến thương mại. Đây là tin xấu đối với người tiêu dùng", ông Guntram Kaiser - chuyên gia truyền thông nói.
Ngoài việc áp thuế như một cách đáp trả trực diện, một số đối tác cũng cân nhắc mua thêm hàng hoá của Mỹ, nhằm thu hẹp thặng dư thương mại và né tránh nguy cơ một cuộc chiến thuế quan toàn diện.