Không phủ nhận Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày Việt Nam. Trong bối cảnh thuế quan hết sức căng thẳng từ Hoa Kỳ, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước các thách thức. Hơn lúc nào, ngành da giày phải có những thích nghi để vượt khó.
Thách thức chưa từng có
Chủ trương “Nước Mỹ trên hết” trong chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đã khiến ngành da giày Việt Nam đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có.
Một trong những mối lo lớn nhất hiện nay là khả năng áp dụng chính sách “thuế nhập khẩu đối đẳng” (reciprocal tax) – tức Mỹ sẽ áp mức thuế tương đương với mức thuế mà các nước khác áp dụng lên hàng hóa của Mỹ.
Theo ông Diệp Thành Kiệt – chuyên gia ngành da giày: “Với Việt Nam, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí xuất khẩu mà còn tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của sản phẩm da giày trên thị trường Mỹ. Thực tế cho thấy, từ năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu bị kiểm tra kỹ hơn về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn lao động và yếu tố môi trường trong sản xuất”.
Ngoài ra, với thặng dư thương mại song phương lên đến 123,5 tỷ USD – mức cao thứ ba sau Trung Quốc và Mexico, Việt Nam có thể trở thành mục tiêu trong các cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế hoặc trợ cấp thương mại. Việc Hoa Kỳ áp thuế tới 46% với hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam, ngành da giày đang đứng trước thách thức cực kỳ lớn trong giai đoạn sắp tới.
Ngành da giày chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, với giá trị hơn 10 tỷ USD, nên mức thuế cao chắc chắn sẽ khiến tình hình xuất khẩu bị chững lại.
“Hoa Kỳ cũng đang đẩy mạnh các biện pháp rà soát chuỗi cung ứng, yêu cầu minh bạch hóa dữ liệu sản xuất, xuất xứ nguyên phụ liệu, điều kiện lao động, tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính...” – ông Kiệt cho biết thêm.
Làm gì để chuyển hóa thách thức thành cơ hội ?
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng: “Với chi phí tăng cao, các doanh nghiệp sẽ phải có giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất, cũng như tối ưu hóa hơn nữa quy trình sản xuất, giúp cân bằng lại chi phí về thuế bị tăng trong thời gian sắp tới”.
Theo bà Xuân, để ứng phó, trước mắt, không chỉ có thị trường Mỹ, Việt Nam có tới 16 hiệp định thương mại tự do với các nước. Trong đó, 2 hiệp định rất lớn là EVFTA và CPTPP, cũng như thị trường Anh. Vì vậy, việc tiếp tục đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, cũng như tận dụng các lợi thế của thị trường có hiệp định thương mại tự do, vẫn là ưu tiên của các doanh nghiệp.
“Thách thức, có lẽ cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc quá trình sản xuất, tăng hiệu quả lao động, tiết giảm chi phí đầu vào. Vì vậy, để giúp các doanh nghiệp ngành da giày “sống sót”, các bộ, ngành cần có chính sách tốt hơn”, bà Xuân nói.
Đặc biệt, những chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giúp doanh nghiệp hoàn thuế nhanh hơn; các thủ tục hải quan thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất.
Mặt khác, với việc đàm phán sắp tới, có thể nghĩ đến những giải pháp như: nhập khẩu nguyên liệu có sẵn ở thị trường Hoa Kỳ như sản phẩm da thuộc đang có thế mạnh; hay các công nghệ cao của Hoa Kỳ đối với ngành sản xuất da giầy. “Đây là giải pháp giúp ngành da giày - túi xách cân bằng lại cán cân thương mại” - bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.
Trong tình hình mới, doanh nghiệp da giày Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chủ động thích nghi. Một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đầu tư mạnh vào hệ thống quản trị chất lượng, áp dụng tiêu chuẩn ISO về môi trường và xã hội, xây dựng báo cáo ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) nhằm nâng cao uy tín và minh bạch với đối tác Mỹ.
Việc đầu tư vào chuyển đổi số, số hóa chuỗi cung ứng và ứng dụng các công nghệ như blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã bắt đầu được áp dụng tại nhiều nhà máy. Những công nghệ này không chỉ giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng mà còn hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về minh bạch và trách nhiệm xã hội.
Chiến lược “tăng tỷ lệ nội địa hóa” cũng được đẩy mạnh, nhằm hạn chế rủi ro từ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Một số doanh nghiệp đã liên kết với các nhà cung ứng trong nước hoặc đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu để chủ động nguồn cung và đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại.
Đồng thời, việc tham gia các hiệp hội ngành nghề quốc tế, các chương trình hợp tác song phương như Hội nghị Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, hay các chương trình xúc tiến thương mại do Chính phủ tổ chức, cũng giúp doanh nghiệp cập nhật nhanh thông tin, mở rộng đối tác và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.
Quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong năm 2025 là một bài toán nhiều ẩn số nhưng cũng mở ra không ít cơ hội. Với ngành da giày – lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn và đang chiếm thị phần đáng kể tại thị trường Hoa Kỳ – sự chủ động thích ứng sẽ quyết định khả năng bứt phá trong tương lai gần.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày Việt Nam.
Cơ hội là có thật, nhưng chỉ dành cho những doanh nghiệp dám đầu tư dài hạn, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện. Trong một thị trường ngày càng khắt khe như Hoa Kỳ, lợi thế không còn nằm ở giá rẻ, mà nằm ở sự minh bạch, trách nhiệm và sáng tạo. Và nếu ngành da giày Việt Nam kiên định với con đường này, cánh cửa đến với thành công không những mở rộng mà còn bền vững.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang thị trường này đạt gần 10 tỷ USD – tăng hơn 12% so với năm 2023. Sự phục hồi tiêu dùng tại Mỹ sau đại dịch COVID-19, cùng với xu hướng đa dạng hóa nguồn cung ứng của các tập đoàn lớn như Nike, Skechers, New Balance,… đã góp phần đẩy mạnh đơn hàng từ Việt Nam.
Tại Việt Nam, hãng giày Nike có 162 nhà máy, với 500.000 lao động, đóng góp không nhỏ vào 24 tỷ USD xuất khẩu quần áo, giày dép sang Mỹ. Theo báo cáo thường niên của Nike cho năm tài khóa 2024 (kết thúc ngày 31/5/2024), Việt Nam là công xưởng lớn nhất của hãng đồ thể thao Mỹ. Mặt khác, Việt Nam còn là "công xưởng" lớn nhất của Nike về quần áo, sản xuất tới 28% sản lượng của Nike./.