Để đạt tăng trưởng GDP 8% thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%.
Nền kinh tế đang "dễ bị tổn thương"
Phát biểu tại Toạ đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" ngày 25/4, ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu dùng nội địa đối với tăng trưởng GDP. Ông chỉ ra rằng, nếu tiêu dùng nội địa không được thúc đẩy mạnh mẽ, nền kinh tế sẽ dễ bị "tổn thương" trước những cú sốc toàn cầu.
Mặc dù chi tiêu hộ gia đình vẫn đang có xu hướng tăng, nhưng tỷ trọng so với GDP lại giảm dần, cho thấy người dân có xu hướng chi tiêu ít hơn so với quy mô nền kinh tế. Đồng thời, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ nền kinh tế cũng giảm, từ gần 15% trong năm 2023 xuống chỉ còn 12% vào năm 2024.
Ông Thắng cảnh báo rằng, nếu chỉ "bơm" tín dụng tiêu dùng mà không có các giải pháp thực chất để tăng thu nhập và niềm tin tiêu dùng, dòng tín dụng sẽ không thể phát huy tác dụng lan tỏa, và nền kinh tế sẽ phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu – những yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho rằng thị trường nội địa chính là cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập nhiều FTA và các hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, với sự xâm nhập của hàng hóa từ các nước láng giềng như Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần phải giữ vững thị trường trong nước và phát triển đồng thời cả hai thị trường - trong nước và quốc tế.
Mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Để đạt được con số này, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm trước.
Bộ Công Thương đã đề xuất một số giải pháp để kích cầu tiêu dùng nội địa, bao gồm chiến dịch truyền thông quốc gia để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Để đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xây dựng nền tảng dữ liệu để theo dõi cung-cầu và giá cả, ứng dụng công nghệ hiện đại để dự báo và ngăn chặn rủi ro thiếu hụt hoặc tăng giá bất hợp lý.
Ngoài các giải pháp kích cầu tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ xem xét các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng và triển khai các chương trình phát triển thị trường trong nước một cách đồng bộ. Những chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định và phát triển trong bối cảnh thị trường đầy biến động hiện nay.
Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, song điều này đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ từ chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất nội địa./.