Doanh nghiệp Việt ứng phó với làn sóng thương mại xuyên biên giới

Theo VTV - 20/12/2024

Hàng Việt đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức khi bị làn sóng thương mại điện tử giá rẻ lấn lướt ngay trên “sân nhà”.

Doanh nghiệp Việt ứng phó với làn sóng thương mại xuyên biên giới
Để cạnh tranh với hàng nhập qua các sàn TMĐT, doanh nghiệp Việt cần đầu tư hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất.

Thời gian qua, sự xuất hiện và phát triển nhanh như vũ bão của các sàn thương mại điện tử (TMÐT) giá rẻ xuyên biên giới, nhất là từ Trung Quốc đã đẩy hàng Việt vào thế khó, đưa doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối trong nước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. 

“Trung Quốc đang tận dụng tối đa lợi thế để đưa hàng hóa sang thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. Các sàn TMĐT giá rẻ của Trung Quốc như 1688, Taobao, Temu… chiếm lợi thế về giá thành, về sản phẩm hàng hóa mẫu mã đa dạng, năng lực dịch vụ khách hàng và nhất là năng lực vận chuyển”, ông Trần Quốc Kỳ - Giám đốc điều hành Gigan (hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị số) đánh giá.

Các nghiên cứu, khảo sát thị trường hàng hóa Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam cho thấy, cùng với việc sản xuất hàng loạt sản phẩm tiêu dùng với giá thành cạnh tranh, Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng trung tâm logictics, kho hàng sát biên giới, trung tâm xử lý đơn hàng tự động dọc biên giới với nước ta. Các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế lớn nhờ tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng cách tập trung hàng hóa tại những địa điểm gần khu vực tiêu thụ lớn nhất để rút ngắn tốc độ giao hàng, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội.

“Tính đến nay, tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước khá cao, chiếm trên 85%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước. Hơn thế nữa, nước ta đang tập trung phát triển các mặt hàng thế mạnh với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp căn cơ từ sản xuất, phân phối đến cơ chế, chính sách bảo vệ hàng Việt, sức ép từ làn sóng hàng giá rẻ thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới sẽ đè nặng lên cả những mặt hàng mà chúng ta đang có lợi thế”, ông Phú nhấn mạnh.

Ông Phú cho biết thêm, những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất với tiêu chí "nhanh, nhiều, tốt, rẻ". Cộng thêm sự tiếp sức của các sàn TMĐT đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà giữa hàng Việt và hàng ngoại nhập từ nước láng giềng này.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã có một số sàn TMĐT hợp pháp hoạt động, nhưng còn nhiều hạn chế về thời gian giao hàng và kiểm soát chất lượng sản phẩm, khâu hậu mãi… Điều đó cũng khiến doanh nghiệp Việt mất điểm trong mắt người tiêu dùng. “Đến nay, logistics vẫn là điểm yếu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, không chỉ trong việc cạnh tranh với đối thủ nước ngoài mà còn ngay trong thị trường nội địa”, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS) Nguyễn Thành Trung đánh giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề lớn nhất hiện nay là khả năng cạnh tranh giữa các sàn TMĐT trong nước và Trung Quốc. Việc thành – bại phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của doanh nghiệp Việt trong sản xuất, kinh doanh, phân phối. Nếu doanh nghiệp không chịu bứt phá từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối cộng thêm các giải pháp bảo hộ thì hàng Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.

“Thực tế cho thấy, đến nay khâu liên kết giữa sản xuất với dịch vụ phân phối, nhất là hoạt động TMĐT của chúng ta chưa ngang tầm. Do đó, trước hết, chúng ta cần khắc phục, giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi từ sản xuất phân phối tiêu dùng, giảm chi phí vận chuyển logistics, trung gian… để giảm giá thành sản phẩm. Cơ quan nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, các trung tâm đấu giá vùng kiêm sàn giao dịch để mua bán công khai minh bạch giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước và cả các doanh nghiệp nước ngoài ”, ông Phú khuyến nghị.

Còn theo ông Lê Bá Trình - nguyên thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, nguyên trưởng Ban Thường trực Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", để cạnh tranh với hàng nhập qua các sàn TMĐT, doanh nghiệp Việt cần đầu tư hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất kết hợp với đổi mới phương thức phân phối, ứng dụng sàn TMĐT hoặc liên kết ngay với doanh nghiệp phân phối trên sàn TMĐT. 

Đồng thời, nhà nước cần đầu tư hạ tầng logistics về kho bãi, công nghệ quản lý, giao nhận hàng... và có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp logistics, chính sách ưu tiên hoạt động của sàn TMĐT cùng với nghiên cứu tạo ra các rào cản hợp lý đối với hàng ngoại nhập, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối tốt hơn nữa. Nhà nước cũng cần sớm nghiên cứu thay đổi quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng nhằm hạn chế tình trạng hàng giá rẻ Trung Quốc nhập khẩu tràn vào Việt Nam.

Được biết, gần đây, TP Hồ Chí Minh đã có định hướng cho phát triển TMĐT, tập trung vào cải thiện dịch vụ logistics để rút ngắn thời gian giao hàng, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và hỗ trợ các ngành sản xuất. Theo hướng này, doanh nghiệp Việt vẫn có khả năng cạnh tranh với các nền tảng bán hàng Trung Quốc khi giải quyết được các vấn đề nội tại.

Ở khía cạnh khác, ông Lê Nam Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho rằng, doanh nghiệp Việt nên chú ý hơn đến những sàn TMĐT xuyên biên giới quy mô lớn - vốn đang thống trị thị trường Trung Quốc và khu vực. Hơn thế nữa, một điểm mà doanh nghiệp cần lưu tâm là sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), trong một vài năm tới, ngôn ngữ không còn là rào cản trên các sàn TMĐT xuyên biên giới bán hàng bằng tiếng Việt nữa. Nếu không bắt kịp xu thế và có hướng đi phù hợp, doanh nghiệp khó để trụ vững.

“Việc tận dụng các công cụ marketing số như livestream, quảng cáo trên mạng xã hội và ứng dụng AI sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là Gen Z, thế hệ tiêu dùng hiện đại…”, ông Nguyễn Xuân Thảo - Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khuyến nghị thêm. 

Bài liên quan
Để thúc đẩy tiến độ phát triển nhà ở xã hội, TP Hồ Chí Minh đang triển khai các giải pháp rút ngắn thủ tục đầu tư từ 3-4 năm xuống chỉ còn 18 tháng. Thành phố kỳ vọng việc cải cách thủ tục sẽ tạo động lực mạnh mẽ, giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững.
Để thúc đẩy tiến độ phát triển nhà ở xã hội, TP Hồ Chí Minh đang triển khai các giải pháp rút ngắn thủ tục đầu tư từ 3-4 năm xuống chỉ còn 18 tháng. Thành phố kỳ vọng việc cải cách thủ tục sẽ tạo động lực mạnh mẽ, giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều người đầu tư vào các sàn chứng khoán và ngoại hối vì tin vào những lời mời gọi làm giàu từ TikToker Mr Pips. Sự hào nhoáng cùng những màn khoe tiền bạc của người này đã khiến không ít người bị lôi kéo.
20/12/2024
Bằng những thủ đoạn tinh vi dưới vỏ bọc của một công ty tư vấn tài chính chuyên nghiệp, Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) cùng đồng phạm đã xây dựng một đường dây lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại hơn 5.000 tỉ đồng.
20/12/2024
Phó Đức Nam được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo với quy mô 5.200 tỷ đồng. Đây là vụ việc đã gây rúng động xã hội và thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
20/12/2024
Gần 3,4 triệu người sẽ được trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp trước Tết Nguyên đán. Người nhận lương hưu cao nhất có thể lĩnh hơn 320 triệu đồng.
20/12/2024
Tin mới