Sau thời gian thí điểm khai thác xe buýt sử dụng năng lượng xanh, xe điện của thành phố, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã đưa thêm lượng xe sử dụng năng lượng sạch vào khai thác.
Thông tin từ Tổng công ty Vận tải Hà Nội, đơn vị vận hành hệ thống xe buýt chiếm 56% sản lượng vận tải hành khách công cộng trong toàn mạng lưới của thành phố, nửa đầu năm nay, lượng hành khách đi xe đang gia tăng.
Đặc biệt, cả hành khách và đơn vị kinh doanh xe buýt đều có xu hướng sử dụng và chuyển đổi sử dụng sang loại phương tiện xanh.
Sau thời gian thí điểm khai thác xe buýt sử dụng năng lượng xanh, xe điện của thành phố, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã thực hiện đưa thêm lượng xe sử dụng năng lượng sạch vào khai thác.
"Đầu năm 2025, tổng công ty đã đưa vào vận hành 63 xe buýt điện trên 4 tuyến, được sự ủng hộ và đánh giá tốt của hành khách và người dân", ông Lê Anh Nam (Trưởng Trung tâm Điều hành xe buýt, Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết.
Trong nhận định về hiệu quả khai thác xe buýt điện nửa đầu năm nay, cùng thay đổi về dịch vụ phục vụ hành khách với yêu cầu tạo sự khác biệt về chất lượng của xe buýt, việc đưa xe buýt điện vào phục vụ cũng tạo thêm diện mạo mới và ấn tượng tốt, tạo sự tin tưởng của hành khách.
Ngay tại thời điểm này, để chuẩn bị nguồn lực cho kế hoạch chuyển đổi xe buýt điện, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển đổi xanh.
"Trong năm 2026, tổng công ty sẽ đầu tư thay thế khoảng 120 xe buýt điện, chiếm khoảng 11% lượng phương tiện của tổng công ty. Trong các năm tiếp theo sẽ tập trung chuyển đổi, đến năm 2030 sẽ thay thế toàn bộ, chuyển sang xe buýt điện", ông Lê Anh Nam cho biết thêm.
Những điểm vướng mắc đầu tiên cần tháo gỡ khi chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện cần tính đến gồm hạ tầng trạm sạc. Hiện việc sử dụng chung trạm sạc giữa các hãng xe còn khó khăn. Quan trọng hơn, để bảo đảm tần suất hoạt động của xe điện tương đương với xe đang khai thác hiện nay, ít nhất thành phố cần đầu tư thêm khoảng 40 - 50% số lượng phương tiện.