Bài toán cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành chính sách để tăng trưởng cao nhưng không hệ lụy lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình trong hai tháng đầu năm nay đã tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này nằm trong dự báo, phản ánh quy luật tăng giá hàng hóa vào dịp Tết Nguyên đán, sau đó ổn định trở lại.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc kiểm soát lạm phát hiệu quả là vô cùng quan trọng.
Nhóm hàng lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong đó thịt lợn là mặt hàng có ảnh hưởng lớn. Cụ thể, khi giá thịt lợn tăng 10%, CPI sẽ tăng 0,34 điểm phần trăm.
Thực tế, đã có thời điểm giá thịt lợn tăng trên 10% do nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, gần đây, nguồn cung thịt lợn đã được cải thiện khi lợn tái đàn bắt đầu đến kỳ xuất bán, dẫn đến giá thịt lợn tại một số địa phương giảm dần.
Nguồn cung thịt lợn đã được cải thiện dẫn đến giá thịt lợn tại một số địa phương giảm dần.
Ông Ngô Văn Chung - Hộ chăn nuôi lợn Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: "Trước là 79.000 - 80.000 đồng/kg nhưng mấy hôm nay đã quay đầu giảm giá còn 76.000 đồng/kg".
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng sức mua hiện tại vẫn còn khá yếu do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện tại có thể chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế. Khi sức mua tăng mạnh trở lại, đây sẽ là một yếu tố quan trọng cần được theo dõi sát sao.
"Giá điện, giá gas hay vật liệu xây sẽ có khả năng tăng cao do nhu cầu sử dụng tăng. Cuối năm ngoái chúng ta đã tăng giá dịch vụ y tế thì sự tác động sẽ thể hiện năm nay nhiều hơn", bà Nguyễn Thu Oanh - Trưởng ban Thống kê Dịch vụ và Giá, Cục Thống kê, Bộ Tài chính nhận định.