Măng cụt mất mùa, giá cao nhưng nông dân vẫn "thiệt kép"

Theo VOV - Thứ hai, ngày 07/07/2025 16:34 GMT+7

Từ tháng 6 đến tháng 7, măng cụt bước vào chính vụ thu hoạch tại xã Tam Ngãi, tỉnh Vĩnh Long - một trong những vùng trồng măng cụt nổi tiếng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thay vì không khí thu hoạch rộn ràng như mọi năm, nhiều nhà vườn năm nay lặng lẽ vì mất mùa nặng.

Măng cụt mất mùa, giá cao nhưng nông dân vẫn "thiệt kép"
Trái măng cụt cũng nhỏ hơn mọi năm.

Măng cụt mất mùa, được giá

Theo ghi nhận, sản lượng măng cụt năm nay giảm đáng kể, nhiều vườn chỉ còn lác đác vài chùm quả. Trong khi đó, giá thị trường lại ở mức khá cao, dao động từ 40.000 – 80.000 đồng/kg tùy thời điểm và chất lượng, tổng quan có thể nói giá măng cụt năm nay tăng khoảng 20 đến 30% so với các năm. Tuy nhiên giá tăng nhưng không có măng cụt để bán, vậy là một vụ mùa măng cụt mất mát không đủ bù đắp cho chi phí đầu tư của nông dân.

Những nông dân trồng măng cụt tại đây cho rằng năm nay măng cụt mất mùa nặng, sản lượng chỉ đạt 20 đến 30% so với các năm. Nguyên nhân họ cho rằng chủ yếu do thời tiết khô hạn kéo dài, nắng nóng bất thường kết hợp với tình trạng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình ra hoa, đậu quả của măng cụt.

Bà Nguyễn Thuyền Trinh- một hộ trồng khoảng 100 gốc măng cụt tại xã Tam Ngãi cho biết, dù giá đầu vụ lên tới 70.000 – 80.000 đồng/kg, nhưng vì sản lượng thấp, việc thu hái cũng khó khăn, nên nguồn thu không đáng kể. “Mỗi đợt tôi hái hai ngày chỉ được một giỏ nhỏ. Chi phí đầu tư phân bón cho 50 gốc cũng đã hơn 3,5 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, tưới tiêu cả năm” - bà Trinh chia sẻ.

Theo bà Trinh, cây măng cụt không giống các loại cây ăn trái khác. Thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài, thường từ 15 đến 20 năm mới cho trái ổn định. Một năm chỉ thu hoạch một vụ, nếu mất mùa thì coi như công chăm sóc cả năm không có kết quả.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại vườn của anh Nguyễn Văn Đạt, ở xã Tam Ngãi, người đã gắn bó với cây măng cụt hơn 35 năm qua. Theo anh, mùa vụ năm nay đặc biệt thất bát. "Cả trăm gốc măng cụt mà trái thì thưa thớt, đến giữa vụ rồi nhưng vẫn còn xanh, chưa chín. Thời tiết khắc nghiệt khiến cây khó đậu trái, năng suất kém. Dù giá có cao nhưng không đủ để bù lại bao nhiêu công sức, chi phí" - anh Đạt nói.

Anh Đạt cũng cho biết thêm, nghề trồng măng cụt hiện nay gặp rất nhiều rủi ro: “Năm thì được mùa mất giá, năm thì giá tốt nhưng mất mùa. Làm nhiều nhưng thu chẳng được bao nhiêu, nghề này ngày càng bấp bênh”.

Theo lý giải của người dân, tình trạng xâm nhập mặn trong giai đoạn cây ra hoa, cộng với biến động thời tiết đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Theo số liệu thống kê tổng diện tích trồng măng cụt ở Trà Vinh cũ mà chủ yếu là ở huyện Cầu Kè (nay là Phú Tân, xã An Ngãi, tỉnh Vĩnh Long) đã có tới 500ha, cộng với diện tích tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long (cũ) thì diện tích trồng măng cụt của tỉnh Vĩnh Long hiện khoảng 1.000ha, vì thế cây măng cụt là loại cây có thế mạnh của địa phương này.

Các chuyên gia nông nghiệp thì cho rằng, vấn đề phát triển cây nông nghiệp ổn định không chỉ nằm ở sản lượng mà còn là đầu ra. Phần lớn măng cụt vẫn tiêu thụ ở thị trường trong nước, chủ yếu thông qua thương lái, trong khi liên kết với doanh nghiệp, chuỗi tiêu thụ ổn định còn hạn chế. Điều này khiến người trồng măng cụt luôn phải đối mặt với rủi ro kép vừa phụ thuộc thời tiết, vừa chịu ảnh hưởng từ biến động thị trường.

Để đảm bảo sinh kế lâu dài cho người nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cần đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật canh tác phù hợp với biến đổi khí hậu, nhất là đối với những cây trồng có tính chất đặc thù như măng cụt. Đồng thời, địa phương cần có quy hoạch vùng trồng bài bản, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ, chế biến sâu sản phẩm. 

Bài liên quan
Hiện nay, nhiều loại trái cây đặc sản ở tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giảm giá sâu, khiến nhà vườn thua lỗ nặng.
Hiện nay, nhiều loại trái cây đặc sản ở tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giảm giá sâu, khiến nhà vườn thua lỗ nặng.
6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 388 lô sầu riêng đông lạnh với sản lượng 14.282 tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024.
07/07/2025
Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre - nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt chỉ tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, địa phương đã vượt mục tiêu đề ra.
07/07/2025
Các doanh nghiệp gỗ đã chủ động tìm các thị trường mới và đa dạng kênh phân phối, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu.
07/07/2025
Giá vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang giảm sâu, có nơi chỉ còn 3.000 đồng/kg đối với loại vải thường - mức thấp nhất từ đầu vụ đến nay.
07/07/2025
Tin mới