Nhiều người đầu tư vào các sàn chứng khoán và ngoại hối vì tin vào những lời mời gọi làm giàu từ TikToker Mr Pips. Sự hào nhoáng cùng những màn khoe tiền bạc của người này đã khiến không ít người bị lôi kéo.
Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips, 30 tuổi, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) từng khiến cộng đồng mạng ngưỡng mộ khi chia sẻ câu chuyện đạt học bổng toàn phần về công nghệ thông tin tại Singapore, với trình độ IELTS 8.5. Sau khi tốt nghiệp, Nam không chỉ tận dụng kiến thức công nghệ để thăng tiến mà còn xây dựng hình tượng một chuyên gia tài chính trên mạng xã hội.
Với hàng triệu người theo dõi trên TikTok, Nam tự nhận mình là "cao thủ đầu tư", có hơn 10 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán và ngoại hối. Anh ta liên tục chia sẻ các chiến lược "không thể thua", kêu gọi mọi người tham gia để cùng làm giàu. Đặc biệt, Nam còn điều hành cộng đồng hơn 20.000 thành viên trên Telegram, mở bán khóa học tài chính online và sử dụng hình ảnh xa hoa để thu hút nạn nhân.
Chiêu trò "hào nhoáng" dẫn dụ lòng tin
Trên TikTok và Facebook, Nam luôn xuất hiện trong các video sang chảnh, khoe siêu xe, cọc tiền dày cộp và cuộc sống xa hoa ở những địa điểm đắt đỏ. Các video của người này luôn được mở đầu với nhiều nội dung khác nhau: đi mua sắm đồ hiệu tại các cửa hàng xa xỉ, ngồi ăn chuối trên xe Roll-Royce, ngồi giữa một đống vàng xung quanh.
Nhiều clip do Nam đăng tải khoe mẽ tài sản thô thiển và ngông cuồng, nhưng vẫn thu hút hàng triệu lượt view. Đây chính là mục tiêu ban đầu trong kế hoạch của siêu lừa là gây dựng niềm tin về sự giàu có.
Anh ta không ngừng truyền cảm hứng làm giàu qua các "công thức thành công" và "đạo lý kinh doanh", tạo lòng tin tuyệt đối với những người nhẹ dạ cả tin. Có lần bị hỏi là "chơi ngông khi khoe tiền bạc", Nam đáp "ngông cũng được miễn là bản thân mang lại điều tốt đẹp cho mọi người và được ghi nhận".
Đó là chiêu thức Phó Đức Nam (Mr Pips) đã sử dụng để lập kỷ lục về quy mô lừa đảo chứng khoán quốc tế, ngoại hối gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua.
Một trong những mánh khóe của Phó Đức Nam là đánh trúng tâm lý muốn làm giàu nhanh nhưng thiếu kiến thức đầu tư. Những lời hứa hẹn lợi nhuận cao cùng hình ảnh giàu có khiến nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy. Chỉ cần một lời mời gọi từ Nam, hàng loạt nạn nhân đã tự nguyện đầu tư số tiền lớn, để rồi nhận lại kết quả cay đắng. Một sinh viên thừa nhận, chỉ sau khi bị lừa gần 8,3 tỷ đồng, cô mới nhận ra sự thật: "Nam luôn tỏ ra là người rất nhiều tiền. Điều đó làm mình ngưỡng mộ và không đủ tỉnh táo để kiểm tra thông tin".
Công an Hà Nội đánh giá, các nạn nhân sập bẫy đa số vì tin vào sự hào nhoáng, giàu có của Nam và Ngọ. "Tính đến nay, đây là đường dây lừa đảo lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán", Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội nói.
Thủ đoạn tinh vi
Theo điều tra, từ năm 2021, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (HKTT tại Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liên kết một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có Văn phòng điều hành tại khu Morgan Tower, thành phố Phnom-penh, Campuchia và chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều Công ty “ma” đặt trụ sở tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành khác. Trong đó, có Công ty TNHH ARTEX VINA (trụ sở: phòng 1206, Citilight Tower, số 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM) có khoảng 44 văn phòng đại diện tại Việt Nam (có 24 văn phòng làm việc tại Hà Nội).
Mặc dù Công ty không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tạo lập, quản lý 05 trang web (gồm: Alpha.com, Gtmx.com, Btfx.com, Enzofx.com, Gkfx.com) có giao diện tiếng Anh để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Đây là các sàn giao dịch quốc tế, có uy tín nhưng thực chất các trang web này đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng do các đối tượng quản lý. Mỗi sàn giao dịch này đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.
Đồng thời, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cũng chỉ đạo Đào Diệu Thúy (SN 1997; HKTT tại Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh) và Trần Thị Cẩm Tú (SN 1996; HKTT tại Cẩm Xuyên, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tuyển dụng nhân viên vào làm việc tại Công ty và phân cấp quản lý thành nhiều bộ phận (như: Kế toán, Nhân sự, Bộ phận IT, Bộ phận kinh doanh và chăm sóc khách hàng...).
Các bộ phận này chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động độc lập, hỗ trợ trợ lẫn nhau để tiếp xúc với khách hàng thông qua một số nền tảng mạng xã hội như: Zoiper, Zalo, Telegram... cung cấp thông tin sai sự thật từ đó tạo sự tin tưởng cho khách hàng để chuyển tiền vào tài khoản, ví điện tử gắn với sàn giao dịch nhằm mục đích thực hiện giao dịch ngoại hối, chứng khoán phát sinh kiếm lợi nhuận.
Ban đầu, các đối tượng hướng dẫn khách hàng giao dịch nhiều lần với số tiền ít, “có lãi” và rút tiền được. Sau đó, sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để dụ dỗ, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch. Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản (tức “cháy” tài khoản) thì các đối tượng tiếp tục cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng có niềm tin tiếp tục chuyển thêm tiền để “gỡ vốn”. Cứ như vậy cho đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển.
Đường dây lừa đảo gây chấn động và sự thật được phơi bày
Ngày 11/12, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, chính thức công bố triệt phá đường dây lừa đảo chứng khoán và ngoại hối quốc tế do Phó Đức Nam (Tiktoker Mr. Pips) và Lê Khắc Ngọ (TikToker Mr. Hunter, đang bỏ trốn) cầm đầu. Đây là vụ án lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này tại Việt Nam./.