Mục tiêu tăng trưởng 4,35% và kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 11 tỷ USD trong năm 2025 của ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn bởi áp lực thuế quan. Đa dạng hóa thị trường và đối tượng nuôi là chiến lược cốt lõi của ngành thủy sản để sẵn sàng thích ứng, phát triển vững vàng trước “cơn sóng lớn” của thương mại toàn cầu.
Giữ vững tốc độ tăng trưởng
Xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm 2025 duy trì đà tăng ổn định. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024.
Động lực tăng trưởng đến từ nhiều nhóm mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và nhuyễn thể. Trong đó, tôm ghi nhận mức phục hồi ấn tượng với 1,27 tỷ USD, tăng 30% nhờ giá phục hồi và nhu cầu gia tăng tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
So với cùng kỳ năm 2024, về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là điểm đến lớn nhất của thủy sản Việt Nam, đạt gần 710 triệu USD, tăng 56% - mức tăng cao nhất trong nhóm thị trường lớn. Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 536 triệu USD, tăng 22% do sự ổn định trong nhu cầu và lợi thế từ các sản phẩm có giá trị gia tăng.
Cùng thời điểm, Mỹ nhập thủy sản của Việt Nam đạt 498 triệu USD, tăng 7% và đứng ở vị trí thứ ba. Các thị trường khác như EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 17% và 15%, với kim ngạch tương ứng 351,5 triệu USD và 264,1 triệu USD trong 4 tháng đầu năm.
Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 6 năm qua dao động từ 1,5 đến 2,1 tỷ USD/năm. Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1,8 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, trong đó tôm và cá tra là những mặt hàng chủ lực.
Để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh tiềm ẩn rủi ro về thuế, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động điều chỉnh chiến lược, tranh thủ đẩy mạnh giao hàng, đồng thời tích cực tối ưu hóa sản xuất, mở rộng sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông...
Chủ động vượt "sóng lớn"
Đề cập đến việc chuyển hướng và đa dạng hóa các thị trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết, để mở rộng thị trường xuất khẩu, công ty đã có sự chuẩn bị từ xa, nên ngay trong năm nay có thể tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc cũng là một thị trường đầy tiềm năng mà công ty đang theo dõi, sẵn sàng thâm nhập khi đủ điều kiện.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, công ty đang có kế hoạch đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tôm xuất khẩu mới ở Cà Mau để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của Công ty Minh Phú, sau đó lần lượt là các thị trường Australia, New Zealand, EU và Mỹ./.