Nguồn thịt nhập về chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng thịt trong nước, do đó không làm ảnh hưởng đến giá lợn hơi trong nước.
Nguồn cung lợn sẽ dồi dào giúp ổn định giá
Giá lợn hơi đang mức 66.000 - 74.000 đồng/kg tùy từng khu vực. Như vậy, mức giá này đã giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với giai đoạn đỉnh điểm hồi đầu năm. Tuy nhiên, đây cũng là mức giá người chăn nuôi đã có lãi. Dự báo giá lợn hơi sẽ ổn định trong thời gian tới nhờ nguồn cung lớn từ các doanh nghiệp chăn nuôi và trang trại quy mô lớn, giúp giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng sẽ dần ổn định.
Tại trang trại Chăn nuôi xã Tân Bình, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, trung bình mỗi ngày xuất ra thị trường từ 3.000 đến 4.000 con lợn. Còn tại các trang trại quy mô lớn, trung bình cũng từ 800 - 1.000 con.
Ở giai đoạn đỉnh điểm, giá lợn hơi xuất bán từng đạt mức 75.000 - 79.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại giá lợn hơi đã giảm nhanh, giảm mạnh với mức giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Nhiều dự báo cho thấy, thời gian tới, giá lợn hơi sẽ đi vào ổn định do nguồn cung dồi dào hơn.
Ông Phạm Bá Vang - Chủ trang trại Chăn nuôi xã Tân Bình, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết: "Đến hiện nay ở trong khu vực phía Nam cũng đã khá bình ổn. Hiện tại lượng lợn chuyển vào trong Nam không còn gần như đáng kể nữa. Ngoài Bắc sẽ cân đối được cung và cầu. Theo tôi sắp tới giá lợn hơi sẽ đi về cái mức ổn định".
Hoạt động kinh doanh tại Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam những ngày này không còn sôi động như trước. Nếu 2 tuần trước mỗi ngày có khoảng 2.000 con lợn được đưa về chợ thì những ngày này lượng lợn về giảm chỉ còn trên 1.000 con. Nhiều thương lái nghỉ chợ do nguồn cung tại các địa phương đã ổn định.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng đàn lợn cả nước hiện ước đạt trên 30 triệu con, ước cho sản lượng thịt hơi khoảng 5,5 triệu tấn, tăng 5% so với năm ngoái. Nguồn cung dồi dào là cơ sở để giá lợn hơi cũng như giá thịt lợn tại chợ giảm và dần đi vào ổn định.
Nhập khẩu thịt lợn tăng 38%
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, mức tăng lên 32 triệu con vào cuối năm ngoái là mức cao nhất trong 5 năm qua. Cùng với đó tiêu thụ thịt lợn của người Việt Nam cũng có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Năm ngoái, tiêu thụ thịt lợn của người Việt Nam ước đạt 37kg/người/năm. Việt Nam đứng thứ 4 về tiêu thụ nhiều thịt lợn trên thế giới.
Ngoài số lượng hơn 50 triệu con lợn xuất chuồng mỗi năm, các doanh nghiệp còn nhập khẩu thêm thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Thống kê nhanh cho thấy, tính đến ngày 25/3, Việt Nam nhập khẩu 32.900 tấn thịt và 30.500 tấn phụ phẩm ăn được từ lợn, cao hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam là Ấn Độ, Nga, Mỹ, Brazil, Canada, Ba Lan, Hà Lan… Giá nhập khẩu thịt lợn về trung bình ở mức 2.700 USD/tấn, tương đương khoảng hơn 65.000 đồng/kg.
Nhập khẩu thịt có ảnh hưởng giá lợn trong nước?
Trước việc nhập khẩu thịt lợn gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng đó chính là nguyên nhân khiến giá thịt lợn hơi trong nước giảm nhanh, giảm mạnh thời gian gần đây. Tuy nhiên, trước thông tin này, Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như một số đơn vị chăn nuôi khẳng định nguồn thịt nhập về chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng thịt trong nước, do đó không làm ảnh hưởng đến giá lợn hơi trong nước .
Ông Phạm Kim Đặng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định: "Việc nhập khẩu, từ trước đến nay chúng ta vẫn nhập và điều này theo chính sách tham gia vào thị trường quốc tế và thoả thuận với các nước chúng ta vẫn phải cho nhập khẩu nếu có nhu cầu. Tôi cho rằng lượng nhập khẩu đó không ảnh hưởng đến giá lợn, mà hiện nay giá lợn ảnh hưởng từ nguồn cung dồi dào từ trong nước. Khi có tín hiệu thị trường tăng giá thì người chăn nuôi đặc biệt các doanh nghiệp lớn phải thay đổi phương thức chăn nuôi".
"Tôi cho rằng, việc nhập khẩu thịt lợn không ảnh hưởng nhiều đến giá thịt lợn trong nước bởi vì lượng nhập về không phải là quá nhiều so với nhu cầu sử dụng trong nước. Nhưng nếu chúng ta không kiểm soát tốt nguồn nhập, nhất là nhập lậu qua biên giới sẽ dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, đe dọa ngành chăn nuôi trong nước", ông Phạm Bá Vang - Chủ trang trại Chăn nuôi xã Tân Bình, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình đánh giá.
Một số chuyên gia đánh giá, việc nhập khẩu thịt tăng là áp lực cho sự phát triển của ngành nếu nhìn ở góc độ người chăn nuôi. Còn xét thị trường, với góc độ người tiêu dùng thì việc này cũng có lợi cho người tiêu dùng. Đây là quy luật thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Quan trọng là để môi trường cạnh tranh công bằng, đảm bảo nguồn thịt ngoại chất lượng thì rất cần tăng cường sự kiểm soát, giám sát, về chủng loại, chất lượng thịt nhập khẩu của các cơ quan chức năng.