Từ đầu tháng 4, nhiều sàn thương mại điện tử sẽ đồng loạt tăng phí giao dịch. Việc tăng phí này được cho là sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến sức mua.
Từ ngày 1/4, các nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử như anh Xuân Hải sẽ phải gánh chịu toàn bộ chi phí vận chuyển cho các đơn hàng bị trả lại, bao gồm cả những đơn giao không thành công. Quy định mới này đang tạo ra áp lực tài chính lớn, khiến nhiều người lo ngại mua sắm trực tuyến sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh.
Anh Xuân Hải - Bán hàng online tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Từ trước đến giờ đã tăng phí nhiều lần, nhà bán hàng nào cũng có chính sách giá riêng. Chắc chắn việc tăng phí phải tăng theo để bù đắp được các khoản lỗ”.
Tại nhóm Facebook "Shopee người bán" với hơn 500.000 thành viên, nhiều nhà bán hàng bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của các khoản phí mới đến lợi nhuận. Cụ thể, bên cạnh các khoản phí hiện hành như phí cố định từ 1-4%, phí thanh toán 5% và phí dịch vụ Freeship Extra 6% (tối đa 50.000 đồng/sản phẩm), người bán giờ đây còn phải gánh thêm chi phí vận chuyển cho các đơn hàng giao không thành công.
Chị Khánh Chi - Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Bình thường lựa chọn các sàn vì giá rẻ hơn so với thị trường và mặt bằng chung. Khi các sàn tăng giá tôi sẽ lựa chọn, tìm kiếm nền tảng nào có giá phù hợp hơn".
Từ đầu tháng 4, nhiều sàn thương mại điện tử sẽ đồng loạt tăng phí giao dịch. Việc tăng phí này được cho là sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến sức mua.
Việc tăng phí đồng nghĩa với việc chi phí kinh doanh leo thang, đẩy các nhà bán hàng vào thế khó. Họ buộc phải lựa chọn: tăng giá bán để bù đắp, cắt giảm các chương trình khuyến mãi, hoặc chấp nhận lợi nhuận bị thu hẹp. Đặc biệt, chính sách hoàn hàng hiện nay còn gây thêm khó khăn khi người bán phải gánh chịu chi phí vận chuyển ngay cả khi khách hàng đơn phương hủy đơn.
Anh Trần Hiếu - Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Nếu phí tăng quá cao mà không có ưu đãi bù lại, mình sẽ tìm mua ở cửa hàng khác hoặc tìm một nền tảng có chi phí tốt hơn".
Dữ liệu từ Metric cho thấy, tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam năm 2024 đạt mức ấn tượng, gần 320.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một nghịch lý đáng báo động là có tới 165.000 cửa hàng phải "đóng cửa" và rời khỏi các sàn này.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do các nhà bán hàng không thể trụ vững trước gánh nặng chi phí ngày càng tăng. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, nếu chi phí trên các sàn tiếp tục leo thang mà không có sự hỗ trợ phù hợp, việc người bán chuyển sang các nền tảng khác hoặc tìm kiếm các phương thức kinh doanh mới là điều không thể tránh khỏi.