Những ngày qua, nông dân vùng trồng lúa trên đất nuôi tôm ở Bạc Liêu đón tin vui khi giá lúa tăng cao, mang lại kỳ vọng về một vụ mùa bội thu.
Lúa ST24, ST25, hai giống lúa thơm chất lượng cao, hiện có giá dao động từ 12.500 - 13.000 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay và vượt xa so với năm trước. Với mức giá này, bà con nông dân Bạc Liêu đang rất phấn khởi chờ ngày thu hoạch với kỳ vọng sẽ đạt được lợi nhuận vượt trội.
Năm nay, tỉnh Bạc Liêu đã xuống giống hơn 18.000 ha lúa ST24, ST25 trên đất nuôi tôm. Hiện tại, phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đồng, trổ bông và dự kiến sẽ cho thu hoạch sau khoảng 1 tháng nữa.
Trồng lúa trên đất nuôi tôm là mô hình sản xuất bền vững, được tỉnh Bạc Liêu đầu tư và khuyến khích phát triển thông qua việc hỗ trợ giống lúa chất lượng cao, đặc biệt là các giống đang được ưa chuộng trên thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, địa phương còn tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất và hiệu quả canh tác.
Lúa ST24, ST25 đã được tỉnh triển khai trồng khoảng 5 năm qua, không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng mà còn có chất lượng vượt trội nhờ phương thức sản xuất thân thiện với môi trường. Trong 3 năm gần đây, giá lúa ST luôn duy trì ở mức trên 10.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao, thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia sản xuất.
Trong vụ lúa tôm năm nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã xuống giống hơn 46.800 ha lúa trên đất nuôi tôm, đạt năng suất bình quân 6,3 tấn/ha và sản lượng hơn 293.000 tấn. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp nhiều hộ dân đạt thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha.
Để phát huy hiệu quả mô hình, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, bao gồm các ô đê bao khép kín nhằm chủ động điều tiết nước, ngăn mặn và trữ ngọt. Theo kế hoạch năm 2024 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục xuống giống gần 46.300 ha diện tích lúa - tôm.
Hiệu quả từ mô hình lúa - tôm hữu cơ không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn mang lại giá trị bền vững về môi trường. Những dự án ứng dụng công nghệ sinh học đã giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường, góp phần tăng giá trị nông sản xuất khẩu.
Tại ĐBSCL, mô hình tôm lúa được xem là giải pháp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Những thành công từ các dự án như "Nuôi tôm sú - lúa hữu cơ" đã chứng minh hiệu quả vượt trội về kinh tế với năng suất tôm đạt 550 kg/ha, lúa đạt trên 5,5 tấn/ha, mang lại lợi nhuận bình quân 74 triệu đồng/ha. Đây sẽ là cơ sở để ngành nông nghiệp các địa phương nhân rộng mô hình, vừa nâng cao thu nhập, đời sống người dân, vừa hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải mà cả ngành đang hướng đến.