Ô tô sản xuất trước năm 2017 có thực sự bị cấm đi vào Hà Nội và TP.HCM?

Theo VOV - Thứ ba, ngày 13/05/2025 19:16 GMT+7

Các phương tiện ô tô sản xuất trước năm 2017 vẫn có thể tham gia giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, với điều kiện đáp ứng được mức quy chuẩn phù hợp.

Ô tô sản xuất trước năm 2017 có thực sự bị cấm đi vào Hà Nội và TP.HCM?
Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố có mật độ phương tiện giao thông cao và mức ô nhiễm không khí lớn nhất cả nước.

Xe sản xuất trước năm 2017 có được đi lại tại Hà Nội và TP.HCM?

Liên quan đến thông tin Hà Nội và TP.HCM mới tuyên bố sắp áp dụng tiêu chuẩn khí thải khắt khe với phương tiện giao thông, trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: "Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô đang được xây dựng hướng đến mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hơn lượng phát thải từ phương tiện giao thông, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức báo động".

Theo đó, dự thảo chia khí thải ô tô thành 5 mức tương ứng với các tiêu chuẩn Euro, với mức 5 là mức khắt khe nhất. Các mức áp dụng sẽ được phân loại theo năm sản xuất của xe và khu vực lưu hành.

Các phương tiện sản xuất trước năm 1999 sẽ áp dụng mức 1; từ năm 1999 đến trước năm 2017 áp dụng mức 2, đây là hai mức đã được quy định tại Quyết định 16/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Với các xe sản xuất từ năm 2017, mức áp dụng sẽ là mức 3. Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM dự kiến áp dụng mức mức 4 và mức 5 sớm hơn các địa phương khác trên cả nước.

"Tuy nhiên, cần hiểu rõ là các phương tiện sản xuất trước năm 2017 vẫn có thể tham gia giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, với điều kiện đáp ứng được mức quy chuẩn phù hợp là mức 1 hoặc mức 2 do giới hạn công nghệ động cơ của xe trong giai đoạn này. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất lên Thủ tướng và Chính phủ các biện pháp cụ thể để kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông cũ, góp phần cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn khác", Phó Cục trưởng Môi trường nhấn mạnh.

Kiểm soát chặt chẽ nhiên liệu

Ông Lê Hoài Nam cho biết thêm, để thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, trong đó Bộ Công Thương đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cung ứng nhiên liệu đạt chuẩn.

"Hiện nay, dù xe ô tô sản xuất mới đã áp dụng tiêu chuẩn cao như Euro 5 nhưng nhiên liệu trên thị trường vẫn chủ yếu ở mức Euro 2– 3, không tương xứng với yêu cầu kỹ thuật của xe. Do đó, Bộ Công Thương cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, chuẩn hóa nguồn cung nhiên liệu, đảm bảo các loại nhiên liệu nhập khẩu và phân phối trong nước đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải mới. Đây là điều kiện bắt buộc để thực hiện thành công lộ trình kiểm soát khí thải phương tiện giao thông", ông Lê Hoài Nam chia sẻ.

Dự thảo quy định về lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành tại Việt Nam cũng phân công rõ trách nhiệm cho các bộ, ngành. Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì kiểm tra, chứng nhận phương tiện đạt chuẩn khí thải và giám sát hoạt động đăng kiểm. Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cung ứng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn mới, trình Chính phủ trong tháng 9/2025. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sửa đổi các quy định liên quan đến nhiên liệu và thiết bị đo khí thải. Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Dự kiến cơ quan soạn thảo sẽ trình Chính phủ ban hành quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam vào khoảng giữa năm 2025.

Hà Nội và TP.HCM áp dụng tiêu chuẩn khí thải sớm hơn với 5 mức

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành tại Việt Nam. Dự thảo quy chuẩn mới chia khí thải ô tô thành 5 mức, tương ứng với các tiêu chuẩn Euro, trong đó mức 5 là mức có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe nhất.

Dự kiến, xe ô tô sản xuất từ năm 2022 sẽ áp dụng mức 4 từ ngày 1/1/2026. Riêng ô tô đăng ký biển số Hà Nội và TP.HCM sẽ áp dụng mức 5 từ ngày 1/1/2027; các tỉnh thành khác áp dụng từ năm 2028. Cũng theo đề xuất của dự thảo, xe ô tô sản xuất từ năm 2017 sẽ áp dụng mức 4 tại Hà Nội và TPHCM kể từ ngày 1/1/2026; trong khi các tỉnh khác chỉ yêu cầu mức 3.

Như vậy, Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố có mật độ phương tiện giao thông cao và mức ô nhiễm không khí lớn nhất cả nước nên sẽ sớm "siết" mức tiêu chuẩn khí thải hơn so với các địa phương khác.

Đối với xe ô tô có năm sản xuất từ năm 2017, đăng ký biển số tại các tỉnh, thành khác sẽ áp dụng mức 3 từ ngày 1/1/2026. Còn xe ô tô sản xuất từ trước năm 1999 áp dụng mức 1 và xe ô tô sản xuất từ năm 1999 áp dụng mức 2, kể từ ngày quyết định này có hiệu lực. Ngoài ra, dự thảo quy định về lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành tại Việt Nam cũng phân công rõ trách nhiệm cho các bộ, ngành./. 

Capture.PNG

Bài liên quan
Chiều 7/7, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chiều 7/7, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Để đảm bảo các hoạt động du lịch an toàn, Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về các đối tượng lừa đảo mạo danh các doanh nghiệp lữ hành...
13/05/2025
Sáng 7/7, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đã trực tiếp đến hiện trường vụ cháy tại Cư xá Độc Lậ, phường Phú Thọ Hòa để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả và yêu cầu tổng rà soát các chung cư cũ, khu nhà trọ sâu trong hẻm trên toàn thành phố nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái diễn thảm kịch.
13/05/2025
Sau khi sáp nhập với TP Hồ Chí Minh, lệ phí đăng ký ô tô dưới 9 chỗ lần đầu với người dân tỉnh Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) tăng từ 1 triệu lên 20 triệu đồng.
13/05/2025
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị vừa phát hiện và thu giữ khoảng 2,5 tấn mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Đông Hà.
13/05/2025
Tin mới