Công nghệ AI đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, mang đến những trải nghiệm thú vị nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Ứng dụng 'thay áo' bằng AI đang gây sốt tại Việt Nam, nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu rõ về những hệ lụy mà nó có thể gây ra?
Những ngày gần đây, trên App Store, các ứng dụng như Beautycam, BeautyPlus, Fitroom liên tục nằm trong top ứng dụng được tải về nhiều nhất. Trào lưu này bắt nguồn từ tính năng 'Tủ đồ AI' của Beautycam, cho phép người dùng 'thay' những bộ trang phục trên người chỉ với vài thao tác đơn giản. Tuy nhiên, chính sự 'ảo diệu' này lại tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường.
Khả năng 'thay đồ' của AI được đánh giá cao về độ chân thực, đến mức nhiều người không thể phân biệt được đâu là ảnh thật, đâu là ảnh ghép. Điều này tạo điều kiện cho việc lan truyền thông tin sai lệch, thậm chí là những hình ảnh phản cảm.
Chị Thảo My, hiện đang là sinh viên năm 3 tại Hà Nội cho biết: "Việc ghép đồ này không quá mới lạ, vì trước kia tôi đã sử dụng một phần mềm Trung Quốc để ghép các bộ đồ cổ trang. Tuy nhiên, tôi thấy ứng dụng hiện tại tôi đang dùng ghép đồ chân thật hơn, nếu không nói thì không ai biết là ghép vì các trang phục rất giống với đồ mặc hàng ngày."
"Tủ đồ AI" trên ứng dụng Fitroom cập nhật lên tới 182 trang phục cho người dùng trải nghiệm.
Để sử dụng ứng dụng, người dùng phải yêu cầu kết nối mạng, lấy một số thông tin về thiết bị cũng như quyền truy cập kho ảnh, đồng nghĩa với việc 'trao' dữ liệu "nhạy cảm" cho một bên thứ ba. Nếu thông tin này bị rò rỉ hoặc lợi dụng, hậu quả không thể lường trước.
Một trong những nguy cơ lớn nhất từ các ứng dụng chỉnh sửa ảnh hiện nay là việc thu thập dữ liệu sinh trắc học. Dữ liệu này vô cùng nhạy cảm, bởi nếu bị đánh cắp hoặc lợi dụng, chúng có thể được sử dụng để giả mạo danh tính, tạo hồ sơ ảo hoặc thậm chí thực hiện các giao dịch tài chính bất hợp pháp. Không giống như mật khẩu có thể thay đổi, dữ liệu sinh trắc học là duy nhất và không thể làm mới, vì vậy mức độ rủi ro của việc bị lộ lọt là rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, những hình ảnh được tạo ra bởi AI thường không phản ánh đúng thực tế, tạo ra những chuẩn mực về cái đẹp không thực tế, gây áp lực cho người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Ứng dụng 'thay áo' bằng AI là một ví dụ điển hình cho thấy sự phát triển của công nghệ luôn đi kèm với những thách thức. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà nó mang lại, nhưng cũng không thể lơ là trước những rủi ro tiềm ẩn. Mỗi người dùng cần nâng cao ý thức, tự bảo vệ mình trước những 'cạm bẫy' ngọt ngào của công nghệ.
Hãy là người "làm chủ AI", sử dụng công nghệ một cách thông minh và cẩn trọng./.