Các hiệp hội chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, thuỷ sản phải chuẩn bị nhiều giải pháp để ổn định xuất khẩu trước nguy cơ chiến tranh thương mại.
Trong hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 65,2 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang có nhiều biến động về chính sách thuế quan, để duy trì tốc độ tăng trưởng, các hiệp hội ngành hàng chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, thủy sản cần chuẩn bị nhiều giải pháp để ổn định xuất khẩu.
Tổng công ty May 10 đã có đơn hàng đến hết quý 2 năm nay, với Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, để đề phòng rủi ro, doanh nghiệp đã chủ động sản xuất thêm nhiều mẫu sản phẩm mới để chào hàng tại các thị trường thuộc khối EVFTA.
Ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: "Ngoài thị trường Mỹ, chúng tôi đã phát triển thêm các thị trường phi truyền thống như Úc, Canada hoặc là châu Á".
Để đề phòng rủi ro, doanh nghiệp đã chủ động sản xuất thêm nhiều mẫu sản phẩm mới để chào hàng tại các thị trường thuộc khối EVFTA.
Mặc dù xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ và EU giảm, nhưng sự tăng trưởng ở các thị trường Đông Á và Đông Nam Á đã bù đắp, giúp kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm vẫn tích cực. Các doanh nghiệp thủy sản đang tận dụng các FTA thế hệ mới để đa dạng hóa thị trường.
Để giảm thiểu rủi ro bị áp thuế phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu đầu vào từ các doanh nghiệp. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Sẽ phối hợp cùng với cả Cục phòng vệ thương mại và các đơn vị trong Bộ như Vụ thị trường nước ngoài, Vụ Chính sách thương mại đa biên và các đơn vị khác để làm sao mà khuyến cáo các doanh nghiệp cũng như là hướng dẫn doanh nghiệp về phòng, chống việc mà lẩn tránh thuế qua gian lận xuất xứ".
Để đạt mục tiêu xuất khẩu 454 tỷ USD vào cuối năm, Bộ Công Thương tính toán rằng trung bình mỗi tháng cần đạt 37,8 tỷ USD. Bộ sẽ chủ động xây dựng các kịch bản và giải pháp phản ứng kịp thời trước nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.