Khi xuất khẩu sầu riêng tươi gặp khó vì kiểm dịch thực vật và các rào cản kỹ thuật, sầu riêng đông lạnh đang trở thành hướng đi chiến lược mới.
Giữ thị trường bằng cam kết chất lượng
Sầu riêng đã mang về hàng tỷ đô la xuất khẩu mỗi năm cho Việt Nam. Nhưng để giữ được thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, chất lượng chính là giấy thông hành. Trong 4 tháng đầu năm nay, đã có nhiều lô hàng bị cảnh báo, thậm chí bị trả về do vi phạm kiểm dịch thực vật hoặc sử dụng sai mã số vùng trồng. Kiểm soát nghiêm từ vùng trồng đang là yêu cầu sống còn của toàn chuỗi ngành hàng.
Tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk - vùng lõi sầu riêng của cả nước, mô hình liên kết với doanh nghiệp đang thay đổi cách làm của nhiều nông dân. Từ sản xuất tự phát, họ chuyển sang canh tác bài bản, có giám sát, có quy trình.
Với 2 ha sầu riêng, năm 2024, chị Đào thu về tới 3 tỷ đồng. Nhưng con số ấy không chỉ đến từ sản lượng, mà từ việc tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình.
Chị Lê Thị Đào (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) tâm sự: "Bên doanh nghiệp hỗ trợ, các cuộc hội thảo cho bà con biết được kỹ thuật chăm sóc, dùng phân bón, thuốc trừ sâu, các sản phẩm có trong danh mục cho phép được dùng để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu".
Anh Võ Văn Toàn (nhân viên kỹ thuật Công ty Nông sản Thiện Tâm) cho biết: "Để kiểm soát chất lượng, chúng tôi cũng triển khai đánh giá, kiểm định chất lượng nông sản từ vùng trồng trước khi nhập về kho, đóng gói xuất khẩu. Hiện nay, trên thị trường, chưa có vấn đề gì về cadimi nhưng để giảm khả năng cadimi tồn dư trong đất và ảnh hưởng đến nông sản, bất kỳ sản phẩm nào có cadimi thì hạn chế trên vùng trồng của mình".
Để có sản phẩm đạt chuẩn, việc tuân thủ quy trình đồng nhất là điều bắt buộc. Tuy nhiên, đây là điều mà không phải hộ nào cũng dễ dàng tiếp nhận. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã cảnh báo hơn 60 trường hợp vi phạm, chủ yếu do rệp sáp, không đồng nhất quy trình, hoặc không truy xuất được nguồn gốc.
Ông Trần Văn Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Đắk Lắk - chia sẻ: "Phải có nhật ký canh tác điện tử để lưu lại và rút kinh nghiệm để năm sau làm tốt hơn. Nhưng đối với những việc này, thuyết phục bà con đang rất khó khăn và bà con rất bảo thủ trong việc thay đổi một thói quen".
Ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - nhận định: "Đối với mặt hàng sầu riêng, sẽ cơ bản phân cấp, ủy quyền cho địa phương toàn quyền quyết định, Bộ chỉ tham gia thiết kế chính sách, hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện, cũng như kiểm tra, xử lý vi phạm. Như vậy sẽ phát huy vai trò, tính chủ động cũng như yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương".
Sầu riêng đông lạnh - chìa khóa mở rộng thị trường xuất khẩu
Khi xuất khẩu sầu riêng tươi gặp khó vì kiểm dịch thực vật và các rào cản kỹ thuật, sầu riêng đông lạnh đang trở thành hướng đi chiến lược mới. Với khả năng bảo quản dài ngày, vận chuyển xa và ít phụ thuộc mùa vụ, đây được xem là cánh cửa thứ hai để sầu riêng của Việt Nam vươn xa.
Từng múi sầu riêng được lựa chọn, phân loại kỹ lưỡng, sau đó sẽ được đem vào buồng cấp đông khí Nitơ ở nhiệt độ -110 độ C. Chỉ sau vài phút, cả mùi vị lẫn chất lượng của múi sầu riêng sẽ được khoá chặt. Đây là công đoạn rất quan trọng để có thể giữ được hương thơm, độ dẻo cũng như chất lượng của trái sầu riêng khi đem ra ngoài thị trường.
So với trái tươi chỉ bảo quản được khoảng 10 - 15 ngày, sầu riêng cấp đông có thể giữ chất lượng tới 2 năm, giúp người tiêu dùng sử dụng linh hoạt, không phụ thuộc vào mùa vụ.
Trong khi xuất khẩu sầu riêng tươi gặp khó, các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường và tăng cường xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Mặt hàng này đang tăng mạnh ở Mỹ, Thái Lan, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Vũ Phi Hổ - Chủ tịch HĐQT Công ty Sầu riêng Tây Nguyên - nhận định: "Thị trường Trung Quốc mới có Nghị định thư, còn trước đây chúng tôi cấp đông xong phải xuất sang Thái, bán cho người Thái với giá rẻ hơn và người Thái sẽ làm thủ tục để họ xuất hàng của chúng tôi sang Trung Quốc. Bản chất là vẫn đi Trung Quốc. Nhưng nhờ có Nghị định thư, chúng tôi sẽ tiết kiệm được logistics, hàng của chúng tôi đi thẳng không cần phải đi qua Thái".
Trong quý I/2025, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt hơn 8.700 tấn, tăng gần 63% so với cùng kỳ năm 2024; giá trị đạt trên 31 triệu USD, tăng hơn 50%. Hiện tại, hơn 20 doanh nghiệp của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc. Đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, không chỉ để ăn tươi mà còn để chế biến thành bánh kẹo, kem, thậm chí làm nguyên liệu nấu lẩu. Dự báo trong thời gian tới, sản lượng sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhanh./.