Trước vấn nạn mượn danh tiếng để kinh doanh gian dối, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính, cần phải có chế tài đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này.
Giữa cơn sốt mua sắm online và sự bùng nổ của mạng xã hội, danh tiếng không chỉ là tài sản cá nhân, mà còn trở thành "chiếc loa phóng thanh" khuếch đại hiệu ứng thương mại. Một lời giới thiệu từ người nổi tiếng có thể đưa sản phẩm từ "vô danh" trở thành hàng hot, hàng bán chạy.
Lằn ranh mong manh giữa tiếp thị và đánh lừa
Chỉ một buổi livestream vài tiếng đồng hồ, hàng nghìn đơn hàng được chốt. Người nổi tiếng không chỉ làm nhiệm vụ "gương mặt đại diện" mà còn đích thân giới thiệu công dụng, thuyết phục người xem bằng trải nghiệm cá nhân. Thế nhưng, rất nhiều sản phẩm sau đó bị phản ánh là không giống quảng cáo, không rõ nguồn gốc, thậm chí chưa từng được kiểm định.
Chị Nguyễn Thị Hà (Cầu Giấy – Hà Nội) - một người tiêu dùng đã mua hàng online chia sẻ: "Tôi từng mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe do một ca sĩ nổi tiếng giới thiệu. Họ nói đã dùng thử và hiệu quả rõ rệt, nhưng khi sử dụng, tôi bị dị ứng nặng. Liên hệ người bán hàng thì họ im lặng, còn người nổi tiếng thì không phản hồi".
Bàn về câu chuyện này, chuyên gia thị trường Trần Mạnh Hùng cho biết, trong thời đại số, nghệ sĩ và người có ảnh hưởng đã trở thành kênh phân phối riêng biệt. Họ vừa là hình ảnh, vừa là người chốt đơn, thậm chí là bên bảo đảm chất lượng. Nhưng điều đáng nói là, khi sản phẩm có vấn đề, họ gần như "biến mất khỏi hiện trường", mặc kệ người tiêu dùng loay hoay đòi quyền lợi.
Danh tiếng một khi đã bị hoài nghi thì rất khó lấy lại. Nhiều nghệ sĩ từng phải hủy hợp đồng quảng cáo, bị hủy show vì dính đến sản phẩm gây tranh cãi. Một số kênh cá nhân từng thu hút hàng triệu người theo dõi giờ trở nên vắng lặng. Không chỉ vậy, hệ lụy còn lan rộng sang thị trường, khiến người tiêu dùng dè dặt hơn, các thương hiệu chân chính bị liên lụy.
"Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn hơn nhiều cơ quan truyền thông. Khi họ giới thiệu sản phẩm sai sự thật, đó không còn là hành vi vô tình, mà có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế và sức khỏe cho người dùng. Do đó, nếu người nổi tiếng tham gia sâu vào quá trình giới thiệu, cam kết công dụng, hoặc trực tiếp nhận đơn hàng qua kênh cá nhân, thì họ không thể chối bỏ trách nhiệm khi sản phẩm xảy ra sự cố. Luật pháp quy định cụ thể về pháp lý của những hành vi này, cá nhân sai phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý đầy đủ, bao gồm trách nhiệm dân sự và hình sự", ông Hùng nhấn mạnh.
Không thể tiếp tục mơ hồ về trách nhiệm
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, các quy định pháp lý về quảng cáo sai sự thật vẫn còn nhiều kẽ hở. Mức phạt tối đa dành cho hành vi quảng cáo sai lệch chỉ ở mức hàng chục đến trăm triệu đồng - con số quá nhỏ so với doanh thu vài tỷ đồng một buổi livestream. Hơn nữa, chưa có chế tài cụ thể buộc người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm khi sản phẩm họ giới thiệu gây thiệt hại.
"Theo quy định tại khoản 15, Điều 34, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính từ 60 - 80 triệu đồng đối với cá nhân và từ 120 - 160 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, người vi phạm còn phải tháo gỡ, xóa quảng cáo sai sự thật, cải chính thông tin và có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm", ông Hùng lấy ví dụ.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 65/CĐ-TTg năm 2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn , đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Hùng, nước ta cần luật hóa trách nhiệm liên đới của người nổi tiếng trong quảng cáo sai sự thật, xem xét xử lý hình sự trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng hoặc cố ý lừa đảo. Đồng thời, tăng mức xử phạt lên tương xứng với doanh thu quảng cáo.
Ở phía người tiêu dùng, theo chị Hà, danh tiếng, nếu được gìn giữ và sử dụng đúng cách, là cầu nối giữa người tiêu dùng và giá trị tốt đẹp. Nhưng nếu bị lạm dụng để tô hồng hàng hóa kém chất lượng, nó không khác gì một tấm vé thông hành cho gian lận. Nước ta không thể mãi nhân nhượng với hành vi núp bóng uy tín để bán niềm tin sai lệch.
"Các cơ quan quản lý cần siết chặt kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là thương mại điện tử, không để "mất bò mới lo làm chuồng", người tiêu dùng đã dùng sản phẩm thời gian dài rồi, khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng, cơ quan nhà nước mới vào cuộc. Cần quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt về việc thanh kiểm tra, yêu cầu người bán hàng cung cấp bằng chứng trải nghiệm thật hoặc tài liệu pháp lý sản phẩm khi quảng bá", chị Hà nhấn mạnh.
Ông Hùng khuyến nghị thêm, cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế trong kiểm tra nội dung quảng bá sản phẩm và áp dụng hình thức. Về phía người tiêu dùngcần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua qua livestream hay mạng xã hội. Đồng thời, phản ánh các trường hợp lừa đảo tới cơ quan chức năng, và chia sẻ kinh nghiệm để cộng đồng cảnh giác.
Vào cuộc tấn công đẩy lùi vấn nạn báo động
Đáng chú ý, Thủ tướng vừa chỉ thị nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý cá nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật. Yêu cầu của Thủ tướng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và ngăn chặn tình trạng lợi dụng sức ảnh hưởng để quảng cáo sai lệch.
Để ngăn chặn vấn nạn nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết, nghị định triển khai Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ tăng thêm chế tài xử phạt, hạn chế quảng cáo, hạn chế xuất hiện trên mạng xã hội.
Đồng thời, đại diện Bộ Công an cũng thông tin, trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ sẽ tập trung điều tra, xác minh, xử lý toàn diện, triệt để các hành vi có dấu hiệu tội phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo, để tăng sức răn đe, phòng ngừa. Đối với các cá nhân nổi tiếng, có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội và trên không gian mạng, Bộ Công an yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo; cẩn trọng và có trách nhiệm khi thực hiện các hợp đồng quảng bá, giới thiệu, công bố các sản phẩm do mình đại diện thương hiệu. Đặc biệt, tuyệt đối không được đưa ra các thông tin sai lệch, thổi phồng về tính năng, tác dụng của sản phẩm mà thiếu cơ sở, căn cứ khoa học và tài liệu chứng minh.
Muốn thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, cần bắt đầu từ nền móng: sự minh bạch, chuẩn mực và trách nhiệm. Trong đó, vai trò của người nổi tiếng không chỉ là quảng bá mà còn phải đồng hành với chất lượng. Và nếu điều đó bị phản bội, luật pháp cần là tấm lưới đủ mạnh để giữ lại sự công bằng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính./.