VTV.vn - Ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp xem yếu tố bền vững là định hướng dài hạn và đưa vào mô hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ.
Khái niệm "Phát triển bền vững" đã được Liên hợp quốc thảo luận từ cách đây nửa thế kỷ. Đó là sự phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng yêu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến sự phát triển của tương lai.
Hiện nay, ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp xem yếu tố bền vững là định hướng dài hạn và đưa vào mô hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ với lợi thế sử dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để thúc đẩy sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời đại mới.
Tiến bộ khoa học công nghệ cũng đang dần trở thành trụ cột thứ tư của phát triển bền vững với hàng loạt giải pháp công nghệ mới như Smart City, Smart Factory, Smart Logistics, Smart Edu..., tác động đến môi trường, xã hội và quản trị dựa trên các công nghệ nền tảng như IoT, Big Data, AI, Blockchain, 5G...
Phát triển bền vững hiện đã trở thành xu hướng toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo báo cáo khảo sát của Công ty Kiểm toán PWC, 80% doanh nghiệp Việt tham gia khảo sát đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết triển khai ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) trong 2 - 4 năm tới.
Trong đó, một số doanh nghiệp công nghệ, tiêu biểu là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel từ lâu đã tham gia vào quá trình phát triển bền vững của đất nước, gắn các hoạt động sản xuất kinh doanh với các hoạt động xã hội, góp phần quan trọng vào việc thu hẹp khoảng cách xã hội nhờ công nghệ. Với Viettel, tham gia vào quá trình tạo ra các cuộc bùng nổ, phổ cập các dịch vụ viễn thông và công nghệ chính là cách thúc đẩy những mục tiêu về phát triển bền vững.
Trong 35 năm hình thành và phát triển, Viettel đã nhiều lần tham gia vào quá trình tạo ra các cuộc bùng nổ và phổ cập các dịch vụ viễn thông và công nghệ.
Từ những năm 2004, Viettel đã cùng những doanh nghiệp viễn thông khác phổ cập dịch vụ di động, biến di động từ dịch vụ xa xỉ trở thành thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Và cũng từ khát vọng của Viettel là mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang băng thông rộng, mỗi người dân có một điện thoại thông minh (smartphone) mà đến nay, khoảng 90% hộ gia đình đã có đường Internet cáp quang và 100% người dùng điện thoại di động ở Việt Nam có smartphone.
Khi Việt Nam chuyển mình hướng tới làm chủ cuộc cách mạng 4.0, Viettel tiếp tục sứ mệnh của mình để góp phần vào phát triển hạ tầng số quốc gia, tiên phong tiếp cận với công nghệ 5G, phát triển hạ tầng IoT, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng dữ liệu mà gần nhất là việc khai trương Trung tâm Dữ liệu Viettel tại Hòa Lạc - trung tâm dữ liệu lớn nhất cả nước.
Khi đã xây dựng được nền tảng hạ tầng mạng lưới chất lượng, là xương sống cho sự phát triển của các công ty công nghệ, Viettel tiếp tục thực hiện phổ cập tài chính số, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên khắp Việt Nam, giúp người dân dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể được hưởng lợi.
Những ngư dân đi biển dài ngày… đánh bắt xong có thể dễ dàng bán hàng cho thương lái ngay trên biển rồi thanh toán bằng Mobile Money và chuyển tiền về cho người dân ở nhà. Có những xã đã có tới 80% người dân trong độ tuổi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của Viettel.
Đến đầu năm 2024, Viettel Money đã có gần 25 triệu khách hàng. Mobile Money đạt hơn 4 triệu người dùng, chiếm hơn 70% tổng số khách hàng Mobile Money toàn quốc, đứng số 1 về thị phần.
Nhờ sự đầu tư kiên trì và bài bản vào phát triển bền vững, Viettel cũng là thương hiệu có điểm nhận thức về tính bền vững cao thứ 2 thế giới và xếp hạng 1 châu Á tại Báo cáo về chỉ số nhận thức về tính bền vững của 500 thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới do Brand Finance và Hiệp hội Quảng cáo quốc tế thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!