VTV.vn - Mới đây, các nhóm nghiên cứu trong nước đã nghiên cứu và chế tạo thành công một số loại vật liệu nano có tiềm năng ứng dụng cao trong đời sống.
Loại vật liệu nano Cellulose này được chế tạo từ gỗ và phế phụ phẩm nông nghiệp như bã mía, trấu, rơm rạ. Bột Cellulose sau khi được xử lý với hỗn hợp dung dịch axit Sunfuric loãng và Hydropeoxit sẽ tạo ra nano Cellulose với đường kính nhỏ hơn 100 nm.
Sản phẩm nano Cellulose ở dạng nano gel hoặc bột mịn có độ bền cơ học và độ dẻo dai cao nên thường được ứng dụng để tạo ra các loại vật liệu siêu bền, siêu nhẹ.
Theo PGS, TS Lê Quang Diễn tại trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội, nano Cellulose với kích thước dưới 20 nm có thể ứng dụng trong mỹ phẩm để tạo chất làm đặc, chất phân tán... Trong khi đó, nano Cellulose với kích thước lớn hơn có thể sử dụng làm vật liệu composite, bê tông hoặc các loại bao bì sử dụng một lần.
Vật liệu nano còn được sử dụng để tạo nên những cảm biến điện tử siêu nhỏ. Trong con chip điện tử có kích thước 5 x 5 mm này có chứa tới 20 cảm biến điện tử được tạo nên từ các loại vật liệu nano.
Mỗi loại vật liệu nano kim loại bán dẫn có thể tạo nên các chip cảm biến có các tính năng khác nhau. Với kích thước siêu nhỏ, độ nhạy siêu cao, công suất tiêu thụ thấp, các cảm biến khí chế tạo từ vật liệu nano có thể tích hợp thành các mũi điện tử để phát hiện những chất độc nồng độ rất nhỏ mà con người không thể nhận biết.
Thông qua đó, sản phẩm có thể cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí hay ứng dụng trong phân tích hơi thở, chẩn đoán sức khỏe của con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!