Chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân, người sản xuất và doanh nghiệp vẫn đang bám sát các tín hiệu thị trường với hy vọng sớm khôi phục lại giá gạo xuất khẩu.
Hiện mức giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giảm diện tích gieo cấy lúa xuống mức 7 triệu ha trên cả nước, sản lượng ước giảm 323.000 tấn so với cùng kỳ.
Thời điểm tháng 3 - 4, nhiều quốc gia sẽ mở lại các gói thầu nhập khẩu, thị trường được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Bộ Công Thương đang xúc tiến với Indonesia để giữ khối lượng xuất ổn định, giá cả theo thời điểm. Ngoài ra thúc đẩy xuất khẩu gạo sang các thị trường tiềm năng như Halal để giữ vững được quy mô xuất khẩu vốn có".
Chủ động về giải pháp, nhưng chúng ta cũng không chủ quan trước những biến động thị trường. Mặc dù Việt Nam vẫn là nguồn cung gạo quan trọng của Đông Nam Á, Trung Quốc… nhưng sản lượng gạo của các quốc gia xuất khẩu lớn đều tăng so với niên vụ trước, khiến cuộc đua trở nên khó đoán định.
"Phải theo dõi sát sao động thái trên thị trường, đặc biệt với các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan để chúng ta có điều chỉnh cho phù hợp. Với sản xuất trong nước, chúng ta chuyển mạnh sang trồng các loại gạo lúa có giá trị cao", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến cáo.
Xuất khẩu sản phẩm gạo hữu cơ, giảm phát thải đang là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp, khi có thể bán với giá hơn 1.000 USD/tấn. Công ty Lúa gạo Việt Nam cho biết, vừa tăng lợi nhuận tới hàng triệu USD cho mỗi đơn hàng, nhờ đầu tư sản xuất các dòng gạo chất lượng cao.
Năm nay, Việt Nam dự kiến có hơn 7,5 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu, trong đó khoảng 75% là gạo chất lượng cao và gạo thơm. Việc tập trung xuất khẩu gạo phân khúc cao cấp sẽ là cơ sở để doanh nghiệp chủ động đàm phán về giá bán tương xứng với giá trị, giảm áp lực giá từ thị trường lương thực dự trữ./.