Dù hệ thống phân phối hiện đại phát triển, chợ dân sinh vẫn giữ vai trò cung ứng chính, chiếm tới 65% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh.
Hiện hệ thống 232 chợ dân sinh tại TP Hồ Chí Minh đang giữ vai trò chủ chốt trong việc cung ứng hàng hóa, chiếm tới 60–65% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ trong thành phố. Trong khi đó, hệ thống siêu thị chỉ đóng góp khoảng 13–15%, còn các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và các đơn vị phân phối hiện đại khác cung cấp khoảng 22–25%.
Dù các kênh phân phối hiện đại đang phát triển mạnh mẽ, chợ truyền thống vẫn là nơi cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu không thể thay thế đối với người dân thành phố.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, xu hướng tiêu dùng hiện nay đang thay đổi mạnh mẽ. Người dân ngày càng chú trọng hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm và ưu tiên lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nhiều chợ truyền thống hiện nay đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Hàng giả, hàng nhái và thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan, khiến niềm tin của người tiêu dùng dần mai một và họ bắt đầu quay lưng với chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: Những bất cập trong công tác quản lý - từ cơ sở vật chất xuống cấp đến các chính sách đầu tư, quy hoạch phát triển chưa phù hợp - là nguyên nhân khiến các chợ ngày càng mất sức hấp dẫn. Sự thiếu hụt trong mô hình quản lý, vệ sinh môi trường và nhận thức của cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng cũng góp phần làm giảm độ thu hút của chợ dân sinh.
Để khắc phục tình trạng này, ông Phương cho rằng cần có một giải pháp tổng thể và đồng bộ. Đặc biệt, việc thay đổi mô hình chợ, nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút đầu tư xã hội là những yếu tố quan trọng để phục hồi và phát triển mạng lưới chợ tại TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ gắn với sự phát triển kinh tế, các chợ dân sinh tại thành phố còn là biểu tượng văn hóa – lịch sử lâu đời. Chợ Bến Thành, ra đời từ năm 1914, vẫn là dấu ấn không thể phai trong ngành thương mại và là niềm tự hào của người dân TP Hồ Chí Minh. Tiếp nối sau đó, nhiều chợ lớn khác như Cầu Ông Lãnh, Bình Tây, An Đông... cũng đã ra đời, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân.
Hệ thống các chợ này không chỉ đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa mà còn phản ánh nét văn hóa đặc trưng của người Việt, góp phần quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của TP Hồ Chí Minh./.