Không gian trưng bày những món đồ chơi tái chế thực hiện bởi nghệ sĩ nghệ thuật đương đại Nhật Bản Fuji Hiroshi đang ngày càng thu hút nhiều người quan tâm ở mọi lứa tuổi.
Từ những năm 1970, nghệ sĩ Fuji Hiroshi đã trăn trở về tình hình rác thải nhựa xuất hiện, ông bắt đầu đi sâu nghiên cứu, mở ra những dự án và hoạt động thu gom đồ chơi cũ từ nhiều nơi khắp Châu Á như Nhật Bản và Thái Lan.
Sau 7 năm kể từ khi ra mắt, triển lãm “Kỷ nguyên nhựa” xuất hiện như một sự kết hợp giao thoa mạnh mẽ giữa cái hiện đại và xưa cũ tiền sử. Lấy đồ chơi nhựa làm chất liệu, không gian triển lãm thu hút sự chú ý từ trẻ em đến người trưởng thành.
Tại triển lãm, người tham quan có thể mang đồ chơi cũ của mình để có để đổi lấy đồ chơi mới. (Ảnh: Nhật Linh).
Không gian triển lãm trưng bày những chú khủng long thời tiền sử, con hươu sừng tấm hay cả những chiếc máy bay,... Tất cả đều được thủ công kết ghép từ những món đồ chơi cũ quen thuộc mà nghệ sĩ Fuji Hiroshi thu gom được qua các dự án của mình.
Bắt đầu từ ngày 15/3 và kéo dài thời gian mở cửa tới tết Thiếu nhi ngày 1/6, “Kỷ nguyên nhựa” là không gian đang được quan tâm bởi các bậc bố mẹ và nhiều người trẻ bởi sự độc đáo, mới lạ của nó. “Con của mình đã rất vui và phấn khởi khi tới đây, chính bản thân mình cũng rất ấn tượng bởi những sản phẩm được trưng bày” Chị Lê Nguyệt Quỳnh - một phụ huynh đã đưa con tới triển lãm để trải nghiệm, hào hứng cho biết. Đối với chị Quỳnh, việc đưa tái chế để giáo dục cho trẻ về bảo vệ môi trường là điều tốt, áp dụng vào các món đồ chơi sẽ thu hút được trẻ hơn.
Còn với Lê Thanh Thảo - sinh viên thuộc một trường đại học tại Hà Nội cũng chia sẻ rằng triển lãm phản ánh một phần cuộc sống của bản thân khi đời sống sinh hoạt hằng ngày vẫn thải ra rất nhiều rác thải nhựa. “Vì nhựa rất khó phân huỷ nên bản thân mình và bên cạnh đó cũng mong mọi người có thể có nhận thức tốt hơn trong việc xử lí, biết làm gì với rác thải nhựa hàng ngày”.
“Kỷ nguyên nhựa” là cơ hội để các bậc phụ huynh gần gũi với các con mình hơn. (Ảnh: Nhật Linh).
Rất nhiều bạn trẻ cũng hào hứng bởi không gian triển lãm. (Ảnh: Nhật Linh).
Rất nhiều bạn trẻ cũng hào hứng bởi không gian triển lãm. (Ảnh: Nhật Linh).
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Đây là con số đáng báo động nếu mỗi cá nhân chúng ta đều xem nhẹ nó.
Mặc dù tại triển lãm không có một con số “kinh hoàng” nào về những điều này, thế nhưng qua không gian nơi đây, người tham quan đều cảm nhận được rằng “Kỷ nguyên nhựa” là thông điệp về thực trạng rác thải nhựa trên toàn cầu. Bên cạnh đó là lời nhắc nhở sâu sắc ý thức, trách nhiệm tới môi trường ngay từ trong đời sống sinh hoạt cá nhân mỗi chúng ta sẽ là giải pháp hữu nghiệm nhất để giảm thiểu được tình trạng này trong tương lai.