Một đường dây sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng giả quy mô cực lớn đã bị lực lượng chức năng triệt phá, thu giữ hơn 100 tấn hàng.
Để bóc gỡ đường dây sản xuất - phân phối có quy mô cực lớn này, các trinh sát Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội đã mất nhiều tháng theo dõi, đeo bám các mắt xích trong ổ nhóm. Từ đó, cơ quan chức năng dần làm rõ phương thức hoạt động, quy trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ các loại thực phẩm chức năng giả.
Tâm điểm của hoạt động sản xuất là một xưởng đặt tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, các mẻ thực phẩm chức năng sau khi sản xuất xong sẽ được vận chuyển về kho chứa tại khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội. Khi tiến hành khám xét kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện bên trong chứa hàng trăm thùng sản phẩm, ước tính hơn 100 mã hàng khác nhau. Nhiều sản phẩm trong số đó đã có dấu hiệu hư hỏng.
Điều tra bước đầu cho thấy, kho hàng thường xuyên có từ 8 -10 nhân viên làm việc, chủ yếu tham gia vào công đoạn đóng gói, dán tem, nhãn mác sản phẩm. Đáng chú ý, nhiều người trong số này là sinh viên làm thêm, được trả công khoảng 25.000 đồng/giờ. Một nữ sinh viên cho biết, cô đã làm việc ở đây gần hai năm mà không hề hay biết mình đang tiếp tay cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả.
"Cho vỉ vào hộp, rồi cho hộp vào thùng. Các anh chị bảo làm gì thì mình làm nấy… Làm xong thì chuyển đi thôi" – một người làm thuê thuật lại quy trình công việc tại kho.
Từ kho hàng này, sản phẩm được phân phối đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ngày 9/5, tổ công tác Công an TP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng phía Nam bất ngờ kiểm tra một căn nhà ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh – được xác định là một mắt xích trong đường dây. Ngôi nhà nhìn bên ngoài không khác gì nhà dân thông thường, nhưng được rào chắn kín đáo và gắn hệ thống camera giám sát nghiêm ngặt.
Sau hơn hai giờ cố thủ, đến khoảng 18h cùng ngày, các đối tượng buộc phải mở cửa để lực lượng công an tiến hành khám xét. Căn nhà rộng gần 100m² được chia thành 6 phòng, trong đó mọi không gian, kể cả phòng ngủ của nhân viên, đều chất đầy các loại thuốc.
Cùng tối hôm đó, tổ công tác tiếp tục kiểm tra một căn biệt thự khác tại phường Tây Thạnh. Nhân viên bảo vệ khai nhận không biết số hàng trong kho là thật hay giả, chỉ thực hiện việc giao nhận theo lệnh điều động đến các phòng khám và bệnh viện.
Tiếp tục mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã đột kích thêm một kho hàng nằm trên đường S1, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Tại đây, công an phát hiện thêm một lượng lớn sản phẩm thực phẩm chức năng do nhóm đối tượng phân phối. Giám đốc công ty đứng tên kho hàng cho biết đã bắt đầu nhập số lượng lớn hàng hóa từ năm 2021 để phân phối cho các nhà thuốc.
Dựa trên dữ liệu hóa đơn, cơ quan điều tra xác định hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận rất lớn cho đối tượng cầm đầu. Điển hình là sản phẩm Astramin, được công ty nhập từ các nguồn cung cấp với giá chỉ 157.000 đồng, nhưng sau đó bán lại cho nhà thuốc với giá 777.000 đồng – tức gấp gần 5 lần. Không dừng lại ở đó, vị giám đốc còn khuyến nghị các nhà thuốc tiếp tục đẩy giá lên 1,5 đến 2 lần nữa để "phù hợp với mặt bằng thị trường".
Chủ công ty dược khai nhận: "Anh ơi, thị trường là vậy. Chúng em mà bán giá thấp thì người ta không tin."
Theo lời khai của ông chủ công ty dược, việc bán sản phẩm với giá cao không khiến ông cảm thấy cắn rứt lương tâm, bởi "khách hàng chủ yếu là người có tiền". Chính suy nghĩ này đã góp phần lý giải vì sao hoạt động buôn bán thực phẩm chức năng giả lại diễn ra công khai và táo bạo đến vậy.
Từ kết quả khám xét khẩn cấp tại gần 20 địa điểm liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa các loại. Bước đầu, cơ quan công an xác định ổ nhóm này đã phân phối hàng cho hàng trăm đơn vị, tổ chức và cá nhân trên toàn quốc - chủ yếu là các nhà thuốc và bệnh viện, trải dài khắp các tỉnh, thành./.