Dù đàm phán thuế quan Việt - Mỹ diễn ra theo hướng tích cực hay tiêu cực, đây cũng là bài học để doanh nghiệp nhận ra sự cần thiết của việc đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt tái cơ cấu ngành nghề và chuyển hướng thị trường một cách phù hợp.
4 trụ cột cần thay đổi
Bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc Chính phủ nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ để khơi thông thị trường, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật, và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như EU, Trung Đông. Đồng thời, cần tạo điều kiện xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy cho rằng Việt Nam cần thích nghi và sau đó dẫn dắt sự thay đổi. Với vị thế là một trong hơn 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Việt Nam cần ứng xử phù hợp với vai trò này trong bối cảnh hiện tại.
Chuyên gia Nguyễn Quang Huy đề xuất các doanh nghiệp cần thay đổi theo 4 trụ cột: (1) Chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng; (2) Nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó phòng vệ thương mại; (3) Chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao (phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị); (4) Đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.
“Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công. Các doanh nghiệp cần có vốn chủ đủ mạnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi”, ông Huy nhấn mạnh.
Gỗ Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 161 thị trường khác nhau.
Cần xây dựng ngành xuất khẩu bền vững
Chuyên gia Phạm Sỹ Thành cho rằng Việt Nam cần bình tĩnh nhìn nhận cuộc thương chiến này, xem xét lại mô hình xuất khẩu hiện tại vốn phụ thuộc vào FDI, trong đó Việt Nam có thể phải đánh đổi nhiều lợi ích.
Về dài hạn, Việt Nam cần xem xét lại mô hình tăng trưởng và xuất khẩu. Trong bối cảnh bất ổn thị trường xuất khẩu còn kéo dài, việc xây dựng các ngành xuất khẩu bền vững là cần thiết cho tương lai. Dự kiến trong 10 năm tới, những biến động tương tự sẽ tiếp tục diễn ra khi Mỹ và Trung Quốc vẫn cạnh tranh vị trí dẫn đầu.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản cho biết, Việt Nam đã chủ trương phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng đi đầu trong việc thực hiện quy định của EU về không gây mất rừng và không gây suy thoái rừng, kiên quyết tuân thủ những quy định về môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngành gỗ khẳng định các hoạt động thương mại cua ngành gỗ không liên quan đến thao túng tiền tệ và vận chuyển gỗ bất hợp pháp.
"Dưới thời đại Trump 1.0, nước Mỹ đã điều tra rất kỹ về vấn đề thao túng tiền tệ và vận chuyển gỗ bất hợp pháp của ngành gỗ Việt Nam. Chúng ta có nhiều phiên điều trần với Mỹ, và đã chứng minh được chúng ta không có gian lận thương mại hay xuất khẩu gỗ bất hợp pháp. Theo tôi, việc tự chứng minh sự minh bạch là mô hình hợp tác rất tốt, giúp cải thiện mỗi quan hệ thương mại, để đạt được mức “win - win” (cùng thắng)", ông Hoài nói.
Ngành gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu đến 161 thị trường. Do chi phí logistics cao, ngành gỗ lâu nay ưu tiên thị trường Mỹ với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, việc tái cơ cấu ngành là cần thiết, thậm chí chấp nhận đưa xuất khẩu sang Mỹ về 0 để đạt được tăng trưởng mới.