Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu đứng trước những thách thức chưa từng có, Việt Nam là một trong những quốc gia đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đó là nhận định của các đại biểu Tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) 2025 đang diễn ra tại Hà Nội.
Với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2025, đặc biệt nhấn mạnh hợp tác P4G sẽ đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, mở đường cho quá trình thử nghiệm các chính sách mới, giải pháp mới trong quá trình chuyển đổi xanh.
Bên lề Hội nghị, rất nhiều các chuyên gia, tổ chức quốc tế nhận định rằng, Việt Nam có tiềm năng và nguồn lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh. Với vai trò là tổ chức quốc tế hàng đầu về nông nghiệp, Quỹ quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD) đã đồng hành với Việt Nam hơn 30 năm qua và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam huy động các nguồn viện trợ không hoàn lại, đặc biệt cho các hoạt động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ những địa phương có nguy cơ cao.
Ông Donal Brown, Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế. Ảnh: IFAD
Ông Donal Brown, Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) chia sẻ rằng, ông đặc biệt hào hứng với Dự án hỗ trợ hộ nông dân sản xuất nhỏ thương mại (CSSP) tại vùng cao phía Bắc Việt Nam. Dự án này trao quyền cho các hợp tác xã địa phương áp dụng các phương pháp canh tác sáng tạo hơn, hướng đến thị trường. Dự án không chỉ giúp nông dân tăng năng suất mà còn xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn với người mua, tăng thu nhập và khả năng phục hồi.
Một sáng kiến quan trọng khác là Dự án Thích ứng với Biến đổi Khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, giới thiệu một mô hình tiên phong tích hợp nuôi trồng thủy sản với trồng lúa, giúp tăng sản lượng lương thực và tăng thu nhập hộ gia đình lên tới 30%.
Trong khi đó, ông Máximo Torero - Kinh tế trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá tích cực về vai trò tiên phong của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam đang đi đúng hướng khi đặt con người làm trung tâm của chuyển đổi xanh, kết hợp đổi mới sáng tạo, khoa học và trí tuệ nhân tạo để kiến tạo một nền nông nghiệp công bằng và bền vững.
Ông Máximo Torero, Kinh tế trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Ảnh: VOV
Là một quốc gia luôn đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, Thụy Điển nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực chuyển đổi đầy tích cực của Việt Nam. Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi nhấn mạnh, tính cấp bách toàn cầu của biến đổi khí hậu đòi hỏi những hành động kiên quyết và kịp thời từ Việt Nam, Thụy Điển và tất cả các quốc gia, cần chuyển từ đối thoại sang hành động. Các quốc gia cần tận dụng tối đa tiềm năng từ các nguồn tài chính, đổi mới sáng tạo và công nghệ tiên tiến để thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời bảo đảm tăng trưởng kinh tế bao trùm.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Ndisi. (Ảnh: Tùng Lâm)
Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu 2030, hay còn gọi là P4G, được thành lập từ năm 2017 do Đan Mạch khởi xướng và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
Mục đích của Diễn đàn nhằm kết nối chính phủ với doanh nghiệp và tổ chức xã hội để thúc đẩy hợp tác công - tư trong các lĩnh vực then chốt như giảm thất thoát lương thực, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, nước sạch và giao thông không phát thải. P4G 2025 được tổ chức tại Hà Nội đã đón khoảng 1.000 đại biểu quốc tế, chuyên gia, khách mời và các đối tác đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nghị lần này tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm và góp phần tạo cơ hội thu hút thêm các nguồn lực quý báu cho phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh tại Việt Nam./.