Tháng 2/2025, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, lũy kế hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,38 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 4,89 tỷ USD (tăng 4,5%), chăn nuôi 72,2 triệu USD (tăng 4%), thủy sản 1,42 tỷ USD (tăng 18,6%), lâm sản 2,68 tỷ USD (tăng 11,9%) và muối 1,4 triệu USD (tăng gấp đôi).
Xét theo khu vực, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, chiếm 42,2% tổng kim ngạch. Tiếp theo là châu Mỹ (24,2%) và châu Âu (15,5%). Trong khi đó, thị phần tại châu Phi và châu Đại Dương lần lượt đạt 2,9% và 1,4%.
Trong các thị trường cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh 18,9%, Nhật Bản tăng 19,1%, trong khi Trung Quốc giảm 4,3%.
Hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 284.000 tấn cà phê, đạt 1,58 tỷ USD. Dù khối lượng giảm 28,4%, giá trị lại tăng 26,2% nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 76,3%, đạt gần 5.575 USD/tấn. Đức, Italy và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất.
Tương tự, hồ tiêu dù giảm 9,4% về khối lượng (28.000 tấn) nhưng giá trị tăng gần 52%, đạt 188,7 triệu USD.
Lượng gạo xuất khẩu đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 613 triệu USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 13,6% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân giảm 18,3%, xuống còn 553,6 USD/tấn. Philippines vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 38,6% thị phần, tiếp theo là Bờ Biển Ngà (15,9%) và Ghana (12,3%).
Xuất khẩu rau quả đạt 724,5 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính, chiếm 46,5% tổng giá trị xuất khẩu, tiếp theo là Hoa Kỳ (8,3%) và Thái Lan (5,3%).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025, đặc biệt là biến đổi khí hậu và yêu cầu chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, Bộ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 70 tỷ USD trong năm nay với các giải pháp đồng bộ và quyết tâm mạnh mẽ.