AI sẽ bảo vệ hay phá hủy Trái đất?

08/10/2024

VTV.vn - Có một góc nhìn khác về mối quan hệ tích cực giữa AI và môi trường, không tập trung vào cách thức công nghệ được tạo ra mà vào những gì nó có thể làm được cho môi trường..

AI sẽ bảo vệ hay phá hủy Trái đất?
Ảnh minh hoạ.

Cuộc thử nghiệm toàn cầu về trí tuệ nhân tạo chỉ mới bắt đầu và các công ty công nghệ lớn đang rầm rộ chi tiêu để xây dựng và cho thuê trung tâm dữ liệu, phòng máy cho AI Điều này làm tăng nhu cầu về điện và gây ra những lo ngại. Nhưng có một góc nhìn khác về mối quan hệ tích cực giữa AI và môi trường, không tập trung vào cách thức công nghệ được tạo ra mà vào những gì nó có thể làm được cho môi trường. Dưới đây là những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của AI đối với Trái đất.

AI sẽ bảo vệ hay phá hủy Trái đất? - Ảnh 1.

Ảnh Shutterstock

Điều gì khiến các trung tâm dữ liệu ngốn một lượng điện lớn?

AI có thể làm được rất nhiều việc - không chỉ phân tích dữ liệu và đưa ra dự đoán mà còn viết thơ và mã máy tính, tóm tắt sách và trả lời các câu hỏi, thường ở mức độ thành thạo của con người. Và loại tính toán đó cần rất nhiều năng lượng. Theo một ước tính, một truy vấn tới ChatGPT cần lượng điện năng gần gấp 10 lần so với một tìm kiếm thông thường trên Google.

Các nhà nghiên cứu đã và đang nghiên cứu về AI trong nhiều năm, nhưng nó thực sự bùng nổ vào tháng 11/2022 khi OpenAI giới thiệu ChatGPT, chatbot trò chuyện đã trở thành hiện tượng. Microsoft đã đầu tư hơn 13 tỷ USD vào OpenAI và đang chạy đua để tăng thêm nhiều tính năng trong sản phẩm của mình. Amazon, Google và Meta, chủ sở hữu của Facebook, Instagram và WhatsApp cũng vậy.

AI sẽ bảo vệ hay phá hủy Trái đất? - Ảnh 2.

Ảnh: Green Queen

Nhu cầu điện sẽ tăng bao nhiêu?

Các chuyên gia dự báo rằng, mức tiêu thụ năng lượng của các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới ít nhất sẽ tăng gấp đôi trong vài năm tới. Goldman Sachs đã ước tính, việc sử dụng điện ở các trung tâm dữ liệu sẽ tăng 160% vào năm 2030. Một dự báo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy, nhu cầu sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2026.

Những dự đoán này đều cho thấy lượng phát thải khí nhà kính từ các trung tâm dữ liệu sẽ cao hơn đáng kể nếu chúng lấy năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí tự nhiên. Các trung tâm dữ liệu chiếm khoảng 1% đến 2% tổng nhu cầu điện toàn cầu. Tỷ lệ đó, theo ước tính, sẽ tăng lên 3% đến 4% vào năm 2030.

AI có thể được coi như một công nghệ xanh?

Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn Boston do Google ủy quyền, trí tuệ nhân tạo là một công cụ có mục đích chung, nếu được sử dụng một cách khôn ngoan trong toàn bộ nền kinh tế thì có thể giảm lượng khí thải nhà kính từ 5% đến 10% vào năm 2030. 

AI có khả năng giúp đẩy nhanh quá trình khám phá và đổi mới khoa học trong nhiều lĩnh vực, nâng cao hiệu quả và giảm lượng khí thải carbon trong các lĩnh vực như: giao thông vận tải, nông nghiệp và sản xuất năng lượng. Ví dụ, công nghệ này hứa hẹn sẽ “tăng cường thiết kế sinh học”, ông Drew Endy, Phó Giáo sư kỹ thuật sinh học tại Đại học Stanford, cho biết. Kết quả có thể là thúc đẩy sinh học bằng cách khám phá các công thức DNA phù hợp để mở ra nền nông nghiệp hiệu quả hơn, ít ô nhiễm hơn.

AI cũng có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tìm kiếm những kim loại quan trọng không chỉ đối với ngành công nghệ mà còn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong một trường hợp, nó đã giúp tìm ra trữ lượng lớn kim loại đồng, thành phần quan trọng trong xe điện, ở Zambia.

Và Zanskar, một công ty khởi nghiệp ở thành phố Salt Lake, đang sử dụng AI cố gắng nâng cao tỷ lệ thành công trong việc phát hiện năng lượng địa nhiệt cho các nhà máy điện. Carl Hoiland, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Zanskar cho biết, khoảng 90% các dự án địa nhiệt thời gian đầu đều thất bại chủ yếu do khoan sai vị trí. Nhưng với sự trợ giúp của AI kết hợp với các bộ dữ liệu địa chất mới như dữ liệu vệ tinh và cảm biến địa chấn, có thể mở ra cơ hội tăng gấp đôi hoặc gấp ba tỷ lệ thành công của lĩnh vực này. Về lý thuyết, điều đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Địa nhiệt là nguồn năng lượng sạch, hoạt động suốt ngày đêm nhưng hiện tại nó chỉ chiếm chưa đến một nửa trong số 1% năng lượng điện ở Hoa Kỳ.

AI sẽ bảo vệ hay phá hủy Trái đất? - Ảnh 3.

Ảnh: Technology

“Được” nhiều hơn “mất”

Mặc dù nhu cầu điện từ AI dự kiến ​​​​sẽ tăng ít nhất gấp đôi trong những năm tới, nhưng hiệu quả của công nghệ này lại có thể tăng với tốc độ cao hơn nhiều. Hãy xem xét điều gì đã xảy ra với điện toán đám mây: Có sự gia tăng tiêu thụ năng lượng vào đầu những năm 2000 và người ta đã lo ngại rằng sự gia tăng sẽ tiếp tục. Nhưng trong khi sản lượng điện toán của các trung tâm dữ liệu trên thế giới tăng gấp sáu lần từ năm 2010 đến năm 2018 thì mức tiêu thụ năng lượng chỉ tăng 6%. Các nhà phân tích trong ngành cho biết, một xu hướng tương tự cũng có thể xảy ra với AI.

Các công ty công nghệ lớn đang tìm cách hợp lý hóa phần mềm, phần cứng và hệ thống làm mát để giảm mức tiêu thụ điện trong trung tâm dữ liệu của họ. Họ đang đặt các cơ sở máy tính ở các nước phía Bắc, lấy không khí lạnh ngoài trời làm chất làm mát để giảm việc sử dụng điện và nước. Họ cũng đang đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế. 

Nếu những nỗ lực đó thành công và nếu chúng ta thông minh trong cách sử dụng AI thì cuối cùng, nó có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Bài liên quan
Năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đạt khoảng 17,5 tỷ giao dịch với tổng giá trị 280 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120% về giá trị so với năm trước.
Năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đạt khoảng 17,5 tỷ giao dịch với tổng giá trị 280 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120% về giá trị so với năm trước.
Năm 2024, thị trường điện thoại Việt Nam chứng kiến sự lên ngôi của iPhone 15 Pro Max, Galaxy S24 Ultra và nhiều "ông lớn" khác. Cùng khám phá cấu hình, tính năng đỉnh cao và giá bán của những chiếc smartphone đã làm mưa làm gió.
08/10/2024
Năm 2024 đã chứng kiến nhiều vụ vi phạm dữ liệu đáng chú ý, làm dấy lên lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân và thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường biện pháp bảo vệ dữ liệu.
08/10/2024
Một doanh nghiệp tại Hà Nội bị khởi tố với doanh thu 160 tỷ đồng từ việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử mà không kê khai thuế. Vụ án cho thấy những thách thức đằng sau sự mở rộng của Amazon, Alibaba và các cơ hội mà họ mang lại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
08/10/2024
Nghị định 147/2024/NĐ-CP yêu cầu xác minh danh tính người dùng mạng xã hội và lưu trữ dữ liệu trong nước, gây lo ngại về tự do ngôn luận và quyền riêng tư.
08/10/2024
Tin mới