Một bé trai 9 tuổi ở Cần Thơ vừa phải nhập viện do bị ve chó chui vào ống tai, làm tổ và sinh sản bên trong. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn từ thú cưng.
Ngày 13/5/2025, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhi nam, 9 tuổi, trong tình trạng ngứa tai, đau nhức và chảy máu tai. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện trong ống tai của bé có ổ ve chó đã làm tổ và sinh sản. Trẻ đã được xử lý kịp thời và đang trong quá trình theo dõi, phục hồi ổn định.
Theo các bác sĩ, ve chó – tên khoa học Rhipicephalus sanguineus – là một loại ký sinh trùng thuộc nhóm ve cứng, thường ký sinh trên chó, mèo và có thể lây sang người. Khi xâm nhập vào tai, ve không chỉ gây cảm giác ngứa, đau nhức, mà còn đe dọa sức khỏe tai – mũi – họng, đặc biệt ở trẻ nhỏ với cơ địa nhạy cảm.
Hình ảnh ve chó làm tổ trong tai bệnh nhi. Ảnh: VTV.
Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu như:
Ngứa tai kéo dài, liên tục ngoáy hoặc gãi tai
Cảm giác đau cộm, khó chịu, nhất là về đêm
Chảy dịch tai, có thể kèm máu hoặc mủ
Nghe kém tạm thời
Quấy khóc, mất ngủ không rõ lý do
Bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa gồm:
Tẩy ve, bọ chét định kỳ cho thú cưng
Hạn chế để chó mèo ngủ chung giường hoặc tiếp xúc gần với trẻ nhỏ
Vệ sinh sạch sẽ vùng tai – tóc cho trẻ và dọn dẹp nhà cửa thường xuyên
Khi trẻ có dấu hiệu bất thường ở tai, không nên tự ý xử lý tại nhà, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra
Ve chó có kích thước nhỏ (1–3 mm khi chưa hút máu, lên tới 1 cm sau khi hút máu no), bám rất chắc vào da vật chủ, thường trú ngụ ở tai, kẽ chân, bụng, cổ... Chúng có thể tồn tại nhiều tháng và sinh sản nhanh ở nơi ẩm thấp, là nguồn lây nhiễm các bệnh như Ehrlichiosis, Babesiosis, viêm da ký sinh...
Việc nuôi thú cưng mang lại niềm vui cho gia đình, nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm trong chăm sóc, vệ sinh. Vụ việc trên là lời cảnh báo về việc thiếu kiểm soát ký sinh trùng ở vật nuôi có thể gây hậu quả nguy hiểm cho trẻ nhỏ và cộng đồng./.