Một sự lãng phí rất lớn từ gần 2.900 dự án đang thi công dở dang và kéo dài. Quy mô vốn của những dự án dở dang này lên tới hàng trăm tỷ USD.
Thi công rồi lại dừng, rồi lại tiếp tục thi công, có nhiều dự án cứ lặp đi lặp lại vòng luẩn quẩn như vậy suốt cả chục năm. Một sự lãng phí rất lớn từ gần 2.900 dự án đang thi công dở dang và kéo dài. Quy mô vốn của những dự án dở dang này lên tới hàng trăm tỷ USD. Trong bối cảnh chúng ta đang rất cần phát huy các động lực tăng trưởng nội tại, những công trình này rất cần được đánh thức.
Triển khai từ năm 2011, theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành vào năm 2013. Thế nhưng, sau nhiều lần, thi công rồi lại dừng, rồi lại tiếp tục thi công, đến nay, gần 15 năm, dự án nâng cao cấp cải tạo Quốc lộ 1A qua Văn Điển - Ngọc Hồi (TP Hà Nội) vẫn chưa thể hoàn thành. Áp lực giao thông khu vực cửa ngõ thủ đô vẫn chưa được giải tỏa.
Ông Nguyễn Nho Quảng - Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội - chia sẻ: "Chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, dự án Quốc lộ 1A đã giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, dự kiến chúng tôi sẽ hoàn thành trong tháng 9/2025".
Hiện cả nước vẫn còn 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD còn vướng mắc, chưa phát huy được hết hiệu quả nguồn vốn. Trong đó, chủ yếu vẫn từ nguồn vốn đầu tư công. Nguyên nhân chính vẫn nằm ở yếu tố chủ quan của những cá nhân, cơ quan trực tiếp thực hiện dự án.
Trong khi nguồn lực đầu tư, đặc biệt nguồn vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, việc đầu tư vào dự án, công trình nào, bao giờ hoàn thành cần được tính toán hết sức cụ thể. Bởi đây là yếu tố quyết định không những phòng chống lãng phí mà còn nâng cao hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện 2.887 dự án vướng mắc chiếm diện tích đất khoảng 347.000 ha. Với cơ chế vận hành sau khi tinh gọn, sáp nhập các bộ ngành và địa phương, kỳ vọng vướng mắc ở các dự án dở dang sẽ có nhiều chuyển biến, tình trạng đùn đẩy, né tránh sẽ được hạn chế.
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh - nêu ý kiến: "Hiện nay, phân cấp phân quyền tạo cơ chế để chính quyền các địa phương, các Bộ ngành có trách nhiệm hơn, sáng tạo hơn, quyết liệt hơn".
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia - nhận định: "Chống lãng phí tốt hơn nữa, bởi vì nguồn lực từ lãng phí cũng là một nguồn lực rất lớn, vừa chống lãng phí vừa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế từ nay cũng như trong thời gian tới".
Với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay, việc tháo gỡ vướng mắc của các dự án dở dang càng trở nên cấp thiết. Đó không chỉ khơi thông nguồn lực cho phát triển mà còn tạo thêm nhiều dư địa mới để cả nước tiến tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm kế tiếp.