Giữa làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và sức ép chuyển đổi xanh ngày càng lớn, ngành logistics Việt Nam không chỉ đối mặt thách thức sống còn mà còn đứng trước cơ hội vươn lên định vị mới.
Chiều 11/7 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Logistics xanh – Sức bật trong biến động” được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chủ động của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang một ngành logistics bền vững.
Tham dự Diễn đàn có ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước như: ông Trần Tiến Dũng, ông Đặng Vũ Thành, ông Nguyễn Duy Minh – Phó Chủ tịch VLA; ông Ken Yokeum – Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương WCAworld; ông Edwin Law – Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam; bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng Giám đốc Phúc Khang Corp; ông Koen Soenens – Phó Chủ tịch Uỷ ban Vận tải và Logistics EuroCham; ông Nguyễn Xuân Kỳ – Ủy viên BCH Hiệp hội Cảng biển Việt Nam. Về phía đơn vị tổ chức có ông Đào Trọng Khoa – Chủ tịch VLA và nhà báo Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động thu hút nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm tham dự. (Ảnh: VCCI)
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh: tăng trưởng xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu mang tính sống còn trong chiến lược phát triển kinh tế toàn cầu. Trong đó, phát triển logistics xanh chính là một mắt xích trọng yếu, nơi hội tụ của đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số và trách nhiệm môi trường.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: VCCI)
Theo Chủ tịch VCCI, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định rõ “xanh hóa logistics” là một trong những nhiệm vụ trung tâm, được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thông qua Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này không chỉ cho thấy quyết tâm về chính sách, mà còn đặt ra yêu cầu thực tiễn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, hướng tới giảm phát thải và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, quản lý chuỗi cung ứng xanh từ thiết kế, sản xuất đến phân phối và xử lý chất thải sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng chống chịu cho doanh nghiệp trước những biến động thị trường. Trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật như thuế biên giới carbon, tiêu chuẩn ESG hay Net Zero đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc, “xanh hóa” không còn là lựa chọn, mà là con đường sống còn để nâng sức cạnh tranh.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm, logistics đang đóng vai trò then chốt giúp kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2024 vượt 786 tỷ USD. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu liên tục đối mặt với các “cú sốc” về chuỗi cung ứng, chi phí và rào cản kỹ thuật, logistics xanh được xác định là “chìa khóa” để nâng cao năng lực chống chịu và duy trì vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Hải, logistics xanh không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí dài hạn thông qua ứng dụng công nghệ, tối ưu vận hành, và sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường.
Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Logistics xanh được xác định là chìa khoá, là điểm tựa để các doanh nghiệp vượt qua những “cú sốc” của thị trường. (Ảnh: VCCI)
Trước xu hướng siết tiêu chuẩn từ các thị trường lớn như EU với cơ chế thuế carbon (CBAM), việc sở hữu chứng chỉ xanh đang trở thành lợi thế cạnh tranh mới. Tại Việt Nam, hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện và sự bùng nổ của thương mại điện tử tạo thêm dư địa lớn cho logistics phát triển xanh. Tuy vậy, ông Hải thừa nhận, doanh nghiệp nhất là nhóm SME vẫn gặp nhiều rào cản như chi phí đầu tư, thiếu công nghệ và nhân lực chuyên môn. Do đó, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước đang đẩy mạnh vai trò kiến tạo với các chính sách rõ ràng như Quyết định 876/QĐ-TTg về chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông vận tải, hay Chiến lược phát triển logistics đến 2050, hướng đến xây dựng một hệ thống logistics bền vững, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh khu vực.
Ông Nguyễn Duy Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) – nhấn mạnh: "Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, logistics xanh không còn là xu hướng mà là lựa chọn sống còn để doanh nghiệp nâng sức chống chịu và khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế". Theo ông Minh, FIATA World Congress 2025 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6 đến 10/10/2025 không chỉ là kỳ đại hội lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam mà còn là cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ mới, kết nối đầu tư, chuyển giao tri thức và mở rộng mạng lưới đối tác toàn cầu.
Với 7 phiên thảo luận chuyên đề, FWC 2025 được kỳ vọng lan tỏa mạnh mẽ các giá trị về đổi mới, bền vững và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Sự kiện cũng đánh dấu kỷ niệm 99 năm thành lập FIATA – tổ chức logistics toàn cầu quy tụ hơn 40.000 doanh nghiệp từ 150 quốc gia. Chủ đề “Green and Resilient Logistics” phản ánh kỳ vọng xây dựng một ngành logistics thích ứng cao, gắn kết sâu và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển xanh toàn cầu.
Trong hành trình chinh phục logistics xanh, sự chủ động thích ứng và tư duy đổi mới chính là “chìa khóa vàng” để doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm vị thế trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu. Không còn là cuộc chơi của riêng những ông lớn, logistics xanh đang mở ra cơ hội tái định vị cho những doanh nghiệp, cá nhân biết nắm bắt và dấn thân.