Ngay trong 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Nga đã chạm mốc hơn 10 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả ấn tượng trên nối dài chuỗi tăng trưởng ngoạn mục của mặt hàng thủy sản chiến lược tại thị trường giàu tiềm năng bậc nhất châu Âu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Nga năm 2024 đạt gần 45 triệu USD, cao gấp 5 lần so với năm 2020 và là mức cao nhất trong một thập kỷ. Đà tăng tiếp tục được duy trì trong quý I/2025, bất chấp nhiều biến động trên thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Hà - chuyên gia thị trường cá ngừ thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam - Nga có nhiều thuận lợi, cơ hội cho hợp tác kinh tế - thương mại. Cụ thể, Việt Nam và Nga là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm của Nga để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Trong khi đó, Nga nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, thực phẩm…
Bên cạnh đó, Nga cũng đang là 1 trong 30 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ trên thế giới. Nhập khẩu cá ngừ của Nga đang ngày càng tăng lên qua từng năm, giá trị nhập khẩu cá ngừ đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 năm, đạt gần 90 triệu USD vào năm 2023.
Một loạt rào cản từng gây khó cho doanh nghiệp như vận tải, thanh toán, thủ tục đi lại... đang được tháo gỡ. Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể sử dụng tuyến vận tải biển trực tiếp Vladivostok - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh với thời gian vận chuyển khoảng 8-11 ngày; hoặc tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam qua Trung Quốc, Kazakhstan rồi tới Moskva với thời gian khoảng 35-40 ngày.
Thanh toán cũng linh hoạt hơn khi hai bên có thể sử dụng đồng Ruble và tiền đồng trong giao dịch song phương. Việc Nga cấp visa điện tử thời hạn 15 ngày cho công dân Việt Nam cũng tạo điều kiện để doanh nhân hai nước gặp gỡ, mở rộng kết nối thương mại.
Ngoài ra, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, mà Nga là thành viên, đã ký Hiệp định thương mại tự do vào năm 2015. Hiệp định này đã có hiệu lực từ tháng 10/2016. Đến nay, phần lớn các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp. Các doanh nghiệp hai nước cần tích cực sử dụng những điều kiện thuận lợi mà Hiệp định mang lại để thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương.
Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga một cách ổn định, tránh xảy ra tranh chấp liên quan tới chất lượng, các tham tán thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của nước sở tại về chất lượng, bao bì, nhãn mác... đối với các sản phẩm./.