Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng và lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh THCS, THPT và không thu học phí với học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách miễn học phí giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, trong đó đề xuất áp dụng từ năm học 2025–2026. Đây là bước triển khai cụ thể Kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 01/3/2025 về việc miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập.
Theo Luật Giáo dục 2019, học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục công lập đã được quy định là không phải đóng học phí. Ngoài ra, đối tượng được miễn học phí gồm trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở (THCS). Với dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT đề xuất mở rộng thêm các đối tượng được miễn học phí, bao gồm: Trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông (THPT), cũng như học sinh học chương trình văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Đặc biệt, chính sách cũng hướng đến việc hỗ trợ học phí cho học sinh và trẻ em đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập như dân lập, tư thục, nhằm bảo đảm sự thống nhất, công bằng cho người học trên toàn quốc. Việc hỗ trợ học phí sẽ được thực hiện theo mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, do Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành ban hành.
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện cả nước có khoảng 23,2 triệu học sinh, trong đó 21,5 triệu học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục công lập (chiếm khoảng 93%). Cụ thể theo từng cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non (trong đó 3,8 triệu học công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS và 2,99 triệu học sinh THPT.
Căn cứ theo mức học phí tối thiểu quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT ước tính tổng kinh phí ngân sách nhà nước cần để thực hiện chính sách miễn học phí cho toàn bộ trẻ em mầm non và học sinh phổ thông là khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, tổng mức ngân sách đã thực hiện miễn học phí đối với các đối tượng hiện hành là 22.500 tỷ đồng. Như vậy, để mở rộng chính sách theo Nghị quyết mới, ngân sách nhà nước cần bổ sung thêm khoảng 8.200 tỷ đồng mỗi năm.
Về phía người dân, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, đây là đối tượng trực tiếp hưởng lợi từ chính sách này. Việc miễn học phí sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng đối với các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn lực để thực hiện chính sách này sẽ đến từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác. Bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm, việc thống nhất áp dụng chính sách miễn học phí thay vì quy định "không phải đóng học phí" sẽ đơn giản hóa thủ tục cho các địa phương, giảm tải các quy trình về phê duyệt đối tượng miễn, cấp bù học phí, và xây dựng nghị quyết riêng của Hội đồng nhân dân các cấp.
Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là một bước tiến lớn trong việc thực hiện phổ cập giáo dục toàn diện, công bằng và tạo điều kiện cho mọi trẻ em, học sinh trên toàn quốc được tiếp cận giáo dục miễn phí, không phân biệt công lập hay tư thục./.